Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để lại dấu ấn nổi bật
Tại phiên khai mạc sáng 22/5, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo Quốc hội thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023.
Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ.
“Bình quân một tháng có 19,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho các đối tác nước ngoài. Thực trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp”, Uỷ ban Kinh tế nêu.
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để lại dấu ấn nổi bật. Các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương được quan tâm; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 38,07%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 31,18%…
Bên cạnh đó, theo ông Thanh, ngoài chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động, còn có thêm 1 chỉ tiêu không đạt mục tiêu kế hoạch là tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP chỉ đạt 24,76%, thấp hơn mục tiêu đề ra (25,5 – 25,8%). Đáng lưu ý, cả 2 chỉ tiêu này đều phản ánh chất lượng tăng trưởng và chất lượng nền kinh tế còn hạn chế.
Thu ngân sách nhà nước vượt 403,8 nghìn tỷ đồng (tương đương 28,6%) so với dự toán. Tuy nhiên, kết quả này cũng phản ánh xây dựng dự toán quá thấp, làm bó hẹp không gian tài khóa và ảnh hưởng đến dự toán thu của năm tiếp theo.
“Đây là vấn đề tồn tại trong nhiều năm nhưng chưa được khắc phục. Do vậy, đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm và có giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng xây dựng dự toán thu NSNN hằng năm”, Uỷ ban Kinh tế nêu.
Theo ông Thành, việc quá chú trọng kiểm soát lạm phát cũng là nguyên nhân khiến lãi suất cao trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, việc điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng được thực hiện quá chậm là những bất cập trong công tác điều hành cần rút kinh nghiệm.
“Nền kinh tế trong tình trạng thiếu thanh khoản trong khi số vốn đầu tư công chậm giải ngân tồn đọng gửi tại Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng thấp, lạm phát thấp, lãi suất cao là những nghịch lý, thể hiện sự bất cập trong công tác điều hành chính sách tài khóa (CSTK), chính sách tiền tệ (CSTT)”, ông Thanh nói.
Tài chính, tiền tệ xuất hiện rủi ro
Bất cập khác được cơ quan thẩm tra chỉ rõ là thị trường tài chính, tiền tệ xuất hiện rủi ro tác động tiêu cực đến an toàn hệ thống; thị trường chứng khoán sụt giảm; thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khó khăn; thị trường bất động sản (BĐS) trầm lắng.
Ông Vũ Hồng Thanh dẫn chứng, đầu tháng 10/2022, sự việc người dân xếp hàng để rút tiền khỏi Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) cũng như yêu cầu ngân hàng này mua lại trái phiếu do Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông phát hành khiến SCB rơi vào tình trạng khó khăn, NHNN đặt SCB vào kiểm soát đặc biệt.
“Tổng giá trị phát hành cổ phiếu của công ty đại chúng năm 2022 đạt gần 91 nghìn tỷ đồng, giảm 8% so với năm 2021, chủ yếu do các doanh nghiệp khó huy động vốn qua phát hành cổ phiếu khi thị trường giảm mạnh”, ông Thanh cho hay.
Theo cơ quan thẩm tra, tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn rất đáng lo ngại và đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá việc xử lý sở hữu vượt mức quy định và sở hữu chéo; đồng thời, đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng để xảy ra các vấn đề của thị trường TPDN và ngân hàng.
“Những khó khăn trên thị trường tài chính và thị trường TPDN khiến doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận vốn và hầu như không huy động được vốn TPDN, dẫn đến thị trường bất động sản gần như “đóng băng”, ảnh hưởng trực tiếp và tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, việc làm của người dân”, ông Thanh cho hay.
“Nền kinh tế thực sự đang rất khó khăn”
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về tăng trưởng GDP Quý I/2023 rất thấp (tăng 3,32% so với cùng kỳ), đặc biệt tăng trưởng ở một số địa phương âm so với cùng kỳ.
Cơ quan thẩm tra dẫn chứng, tăng trưởng GDP Quý I/2023 chỉ đạt 3,32%, mức rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch COVID-19. Thêm vào đó, mức tăng trưởng này trên cơ sở nền thấp của Quý I/2022 khi nền kinh tế lúc đó vẫn đang chịu tác động bởi các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội để phòng dịch COVID-19.
Cùng với đó, các trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước đã có mức sụt giảm kinh tế như: Bắc Ninh -11,85%, Quảng Nam -10,88%, Bà Rịa Vũng Tàu -4,75%, Vĩnh Phúc -2,47%, Quảng Ngãi -1,07%; hoặc tăng không đáng kể như TPHCM 0,7%, Bình Dương 1,15% và Đồng Nai 3,25%, Long An 3,8%.
“Như vậy, số liệu tăng trưởng chung của Quý I cho thấy nền kinh tế thực sự đang rất khó khăn”, ông Thanh băn khoăn.
Hay như tình trạng ùn tắc đăng kiểm phương tiện giao thông trong thời gian qua cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Theo Báo cáo của Bộ GTVT, thời gian qua, cơ quan Công an các tỉnh, thành phố đã khởi tố và bắt giam hơn 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên tại 104 trung tâm đăng kiểm, nên các trung tâm này phải dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra.
Việc thiếu hụt trung tâm đăng kiểm dẫn đến tình trạng ùn ứ trong công tác kiểm định, đặc biệt là tại Hà Nội có thời điểm chỉ còn 6/31 trung tâm hoạt động; tại Thành phố Hồ Chí Minh có thời điểm chỉ còn 8/19 trung tâm hoạt động và nhiều tỉnh, thành phố khác không đáp ứng được nhu cầu kiểm định…
Trước tình hình trên, Ủy ban Kinh tế lưu ý, theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới để có giải pháp chính sách kịp thời. Cần chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đồng thời tăng cường quản lý, giám sát các thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; Chính phủ sớm có quyết sách phù hợp về việc công bố tình trạng dịch COVID-19 ở trong nước…
Nguồn: cafeF.vn