Theo số liệu từ Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tính đến ngày 20/10, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 23,4 tỷ USD, giảm 5,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
10 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư của nhà đầu tư từ Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Hồng Kông vào Việt Nam đạt trên 76 tỷ USD.
Đặc biệt, xét tổng thể, vốn đầu tư từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông vẫn khá ổn định ở Việt Nam. Tổng vốn các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục, vùng lãnh thổ Đài Loan và đặc khu Hồng Kông vào Việt Nam trong 10 tháng qua đạt 4,86 tỷ USD, vượt qua vốn của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Lũy kế đến ngày 20/10, tổng vốn đầu tư của nhà đầu tư từ Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Hồng Kông vào Việt Nam đạt trên 76 tỷ USD, vượt qua tổng vốn đầu tư vào Việt Nam từ trước tới nay của Hàn Quốc (70,4 tỷ USD), Nhật Bản (gần 60 tỷ USD) và Singapore (55,7 tỷ USD).
Về đặc điểm vốn đầu tư của Trung Quốc, 10 tháng qua, các nhà đầu tư Trung Quốc đổ hơn 1,3 tỷ USD cho hơn 294 dự án cấp mới, quy mô mỗi dự án khá nhỏ chỉ khoảng 4,5 triệu USD.
Trong khi đó, vốn góp mua cổ phần của các nhà đầu tư nước này cũng đạt trên 353 triệu USD cho 761 dự án hoặc doanh nghiệp dự án, doanh nghiệp cổ phần hóa.
Vốn của các nhà đầu tư Đài Loan là 934 triệu USD cho 102 dự án mới, vốn góp mua cổ phần là 293 triệu USD cho hơn 390 dự án góp mua cổ phần, doanh nghiệp cổ phần hóa…
Nhìn chung, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, 5 năm trước, nhà đầu tư Trung Quốc chỉ đổ khoảng 10 tỷ USD vốn đầu tư vào Việt Nam thì sau 5 năm, con số này đã tăng gần gấp đôi. Cụ thể, vốn Trung Quốc đã tăng thêm 8,1 tỷ USD, bình quân mỗi năm khoảng 1,6 tỷ USD.
Mặc dù là tín hiệu tích cực, tuy nhiên nhiều ý kiến cũng đánh giá, sở dĩ vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam gia tăng là do Mỹ liên tục tăng thuế suất nhập khẩu với hàng hóa của Trung Quốc, khiến các doanh nghiệp Trung Quốc phải dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam để “né” thuế quan của Mỹ.
“Vốn đầu tư Trung Quốc tăng tốc vào Việt Nam nhờ vào việc dịch chuyển một số chuỗi sản xuất, trong đó có việc doanh nhân Trung Quốc đang muốn tận dụng Việt Nam như thị trường gia công xuất khẩu, tránh đánh thuế và đặc biệt là tận dụng lao động giá rẻ trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang tái cơ cấu, thải loại mạnh mẽ”, TS Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định. Báo cáo kinh tế mới đây của VEPR cũng cảnh báo nguy cơ Việt Nam trở thành điểm trung chuyển hàng hoá từ Trung Quốc sang Mỹ.
Nhiều Đại biểu Quốc hội cũng từng cảnh báo, Việt Nam cần nâng cao tiêu chuẩn môi trường, tài nguyên, công nghệ, quy chuẩn, quy cách sản phẩm… phù hợp với tiêu chuẩn khu vực và thế giới, để loại bỏ những dự án kém chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sau cấp phép các dự án FDI nhằm đảm bảo nhà đầu tư thực hiện đúng các cam kết về yêu cầu, tiến độ triển khai đã được quy định trong giấy chứng nhận đầu tư. Cần có các điều kiện chặt chẽ hơn đối với các hoạt động đầu tư theo hướng góp vốn, mua cổ phần; đồng thời bổ sung thêm các quy định về điều kiện an ninh quốc phòng đối với một số địa bàn, lĩnh vực đầu tư FDI có điều kiện.