English
22/112021
Tỷ giá tiếp tục giảm với nguồn cung ngoại tệ dồi dào

Nguồn cung ngoại tệ gia tăng thúc đẩy tỷ giá giảm

Từ ngày 8 đến 12-11 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua được 1,5 tỉ đô la Mỹ trên thị trường ngoại hối. Do tỷ giá liên ngân hàng giảm về giá mua 22.750 đồng/đô la Mỹ, đồng nghĩa NHNN tiếp tục cung ứng ra thị trường hơn 34.000 tỉ đồng.

Tỷ giá giảm chủ yếu do nguồn cung ngoại tệ dồi dào trong bối cảnh vĩ mô ổn định, nhu cầu ngoại tệ trong nước không bị tác động nhiều bởi yếu tố tài chính quốc tế. Nhiều khả năng do cán cân thương mại tháng 10 xuất siêu tới 2,85 tỉ đô la Mỹ đã bổ sung đáng kể nguồn ngoại tệ trong nước và kéo theo đà giảm của tỷ giá kể trên.

Cán cân thương mại trước đó đã liên tục thâm hụt kéo dài từ tháng 4 đến tháng 8 và xuất siêu nhẹ trở lại vào tháng 9 với mức thặng dư đạt 360 triệu đô la. Lũy kế chín tháng đầu năm nước ta nhập siêu 2,55 tỉ đô la. Tháng 10 ước xuất siêu 2,85 tỉ đô la là con số rất lớn, làm đảo chiều tình trạng nhập siêu của mấy tháng trước đó. Trong những tháng cuối năm tới sẽ có thêm dòng kiều hối và dự kiến là nguồn bổ sung không nhỏ cho nguồn cung ngoại tệ trong nước.

Ngay sau động thái mua ngoại tệ này, NHNN đã hạ giá mua đô la Mỹ từ 22.750 xuống 22.650 đồng, tương đương mức giảm 0,43%. Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng hiện tại giao dịch quanh vùng 22.640-22.650, giảm khoảng 2,3% so với đầu năm.

Sức mạnh của tiền đồng được củng cố

Trong bối cảnh lạm phát Mỹ ở mức cao, cụ thể lạm phát tháng 10 đã tăng 6,2% so với cùng kỳ 12 tháng trước, với đà tăng giá của chỉ số năng lượng, thực phẩm. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ giai đoạn tháng 11-1990. Sau khi dữ liệu lạm phát tháng 10 được công bố, chỉ số DXY (đo lường sức mạnh của đô la Mỹ) và giá vàng đã liên tục tăng, cho thấy tâm lý rủi ro ở mức cao đang bao phủ thị trường (risk off) thúc đẩy dòng tiền đổ vào các kênh trú ẩn an toàn, trong đó có vàng và đô la. Đô la Mỹ cũng lên giá so với hàng loạt đồng tiền mạnh của nhóm G7 như Bảng Anh (GBP), đô la Canada (CAD), euro (EUR),… trong tuần vừa qua.

Diễn biến tiền đồng lên giá so với đô la Mỹ cho thấy cung cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại hối Việt Nam vẫn rất ổn định, thị trường Việt Nam vẫn thu hút dòng vốn đô la từ quốc tế và sức mua của tiền đồng trên thị trường ngoại hối toàn cầu ở mức cao hơn.

Tỷ giá và lạm phát là hai biến số vĩ mô quan trọng, đều đang có diễn biến tích cực, củng cố sự ổn định của nền tảng vĩ mô. Đã không còn tình trạng đầu cơ ngoại tệ, vàng như từng diễn ra trong giai đoạn 2010-2011 với tình trạng lạm phát hai con số và liên tục leo thang. Song hiện nay vẫn tiềm ẩn những rủi ro lớn về lạm phát, tỷ giá ở giai đoạn sắp tới, trong đó có thể kể tới sự mở cửa trở lại của nền kinh tế và tác động của lạm phát toàn cầu.

Đáng chú ý, lạm phát toàn cầu có xu hướng tăng mạnh với một phần nguyên nhân quan trọng là giá năng lượng phục hồi do nhu cầu sử dụng tăng cao khi kinh tế toàn cầu dần mở cửa trở lại, thì lạm phát trong nước vẫn ở mức khá thấp và có diễn biến giảm ở nhiều tháng. Cụ thể chỉ số CPI và lạm phát cơ bản trong tháng 10 giảm lần lượt 0,2% và 0,17% so với tháng trước. CPI bình quân 10 tháng đầu năm chỉ tăng 1,81% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Điều này củng cố thêm cho sức mạnh của tiền đồng, góp phần ổn định tỷ giá USD/VND.

Rủi ro tỷ giá trong tương lai

Tỷ giá và lạm phát là hai biến số vĩ mô quan trọng, đều đang có diễn biến tích cực, củng cố sự ổn định của nền tảng vĩ mô. Đã không còn tình trạng đầu cơ ngoại tệ, vàng như từng diễn ra trong giai đoạn 2010-2011 với tình trạng lạm phát hai con số và liên tục leo thang. Song hiện nay vẫn tiềm ẩn những rủi ro lớn về lạm phát, tỷ giá ở giai đoạn sắp tới, trong đó có thể kể tới sự mở cửa trở lại của nền kinh tế và tác động của lạm phát toàn cầu.

Kinh tế mở cửa trở lại sẽ khiến nhu cầu hàng hóa và giao thương tăng lên nhanh. Trong khi chính sách tiền tệ nới lỏng của NHNN những năm vừa qua, với hoạt động bơm tiền mạnh chủ yếu thông qua kênh tỷ giá và dự trữ bắt buộc, có thể thúc đẩy lạm phát tăng mạnh. Diễn biến này cũng tương tự trên toàn cầu.

Cụ thể, kinh tế mở cửa trở lại sẽ khiến nhu cầu hàng hóa và giao thương tăng lên nhanh. Trong khi chính sách tiền tệ nới lỏng của NHNN những năm vừa qua, với hoạt động bơm tiền mạnh chủ yếu thông qua kênh tỷ giá và dự trữ bắt buộc, có thể thúc đẩy lạm phát tăng mạnh. Diễn biến này cũng tương tự trên toàn cầu. Sự mở cửa trở lại kinh tế toàn cầu sẽ thúc đẩy nhu cầu hàng hóa toàn cầu tiếp tục tăng trong tương lai, đặc biệt là giá năng lượng và thực phẩm, kết hợp với hệ quả của chính sách tiền tệ nới lỏng mạnh tay suốt từ năm 2019 tới nay, có thể tiếp tục thúc đẩy lạm phát cao hơn nữa.

Lạm phát tăng là rủi ro cho sự ổn định vĩ mô, kéo theo có thể là rủi ro đầu cơ, găm giữ các tài sản an toàn như ngoại tệ, vàng và trở thành áp lực cho tỷ giá trong những năm tới. Đây là rủi ro hiện hữu cần tính tới trong điều hành chính sách tiền tệ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra lộ trình thắt chặt tiền tệ và mở đầu bằng việc giảm dần quy mô mua tài sản. Giới trader đang kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất nhiều lần trong giai đoạn 2022-2023.

Việc thắt chặt tiền tệ dường như là xu thế toàn cầu và là chủ đề trong những năm tới. Thắt chặt tiền tệ, kiểm soát lạm phát là điều cần thiết để ổn định vĩ mô. Song trước mắt, năm 2021 gần như sẽ khép lại với nền tảng vĩ mô tương đối ổn định. Lãi suất liên ngân hàng đang ở mức rất thấp, đi kèm tình trạng dư thừa thanh khoản. Điều này đồng nghĩa với việc có một lượng vốn không nhỏ mà nền kinh tế đang chưa thể sử dụng. Đà tăng của lạm phát có thể đến khi tình trạng dư vốn trên thị trường liên ngân hàng ở mức thấp, thậm chí thanh khoản liên ngân hàng trở nên eo hẹp và kênh thị trường mở mà NHNN cho các ngân hàng thương mại vay có số dư thường xuyên hơn. Khi đó tăng trưởng kinh tế có thể phục hồi và là khởi đầu cho lạm phát ở mức cao hơn.

Nguồn: thesaigontimes.vn