Năm 2018 được ghi nhận là một trong nhưng năm tăng giá mạnh nhất của đồng USD khi chỉ số US Dollar Index, đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với với rổ 6 đồng tiền chủ chốt với mức tăng trên 4% giá trị.
Từ cuối năm 2018, sau khi Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu tạm dừng quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ, giới đầu tư bắt đầu dự đoán đồng USD sẽ bước vào giai đoạn giảm giá. Theo kết quả từ cuộc khảo sát 60 chuyên gia tiền tệ của Reuters trong cuối tháng 12.2018, đồng USD được dự báo sẽ giảm giá mạnh so với các loại tiền tệ chủ chốt trong năm 2019 và đồng euro có khả năng tăng hơn 6% lên mức 1,2 USD/EUR vào cuối năm nay.
Công ty chứng khoán MB (MBS) cũng từng dự báo, USD nhiều khả năng đã tạo đỉnh và sẽ đi xuống nhẹ trong năm 2019 (dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 là 2,3%).
Ôn hòa chính sách, USD vẫn không suy yếu như dự đoán
Thế nhưng, trên thực tế đã không như nhiều chuyên gia nhận định, sau khi giảm khoảng 2% vào tháng 12.2018 và chỉ số US Dollar Index đã phục hồi nhanh chóng. Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, chỉ số US Dollar Index đã tăng trên 1,5% so với đầu năm và xác lập mức đỉnh cao nhất trong 21 tháng tại 97,67 điểm vào ngày 7.3. Thậm chí, trong phiên ngày 7.3, chỉ số US Dollar Index còn leo lên mức đỉnh 97,71 điểm.
Diễn biến đồng USD
Mặc dù Fed đã xác nhận sự thay đổi trong chính sách tiền tệ theo hướng ôn hòa hơn, và cũng đã bỏ cụm từ “tiếp tục tăng dần lãi suất” trong cuộc họp chính sách tháng 1.2019 nhưng đồng USD vẫn tiếp tục nhận được những lợi thế so với các đồng tiền khác khi nhà hoạch định chính sách của những nước này đang phải từ bỏ, hoãn lại các kế hoạch thắt chặt tiền tệ.
Cụ thể, trong cuộc họp chính sách định kỳ tháng 3, NHTW Châu Âu (ECB) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục đồng thời còn đẩy lùi thời hạn dự kiến nâng lãi suất sang năm 2020, thay vì nửa cuối 2019 như dự kiến ban đầu.
Bên cạnh đó, ECB giảm dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung Eurozone năm 2019 xuống còn 1,1%, so với mức dự báo tăng 1,7% đưa ra hồi tháng 12.
Đồng thời, ECB cũng quyết định tung thêm một chương trình cho vay dài hạn lãi suất thấp mới để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại trong khu vực, giúp Các ngân hàng đảo nợ số khoản vau có tổng trị giá 720 tỷ Euro để tránh tình trạng thắt chặt tín dụng có khả năng khiến tăng trưởng kinh tế thêm tồi tệ. Đây là lần thứ ba kể từ năm 2014, ECB triển khai một chương trình cho vay thuộc dạng này.
Tuyên bố của ECB được đưa ra giữa lúc đã có nhiều mối lo về sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu. Trước đó, NHTW Canada cho biết đang có sự không chắc chắn về khả năng tăng lãi suất trong thời gian tới.
Brexit có những tác động làm tăng giá trị đồng USD
Đặc biệt, trong tháng 2 vừa qua, cuộc đối đầu thương mại Mỹ – Trung và vấn đề Brexit là những nhân tố chính ảnh hưởng đến biến động của thị trường. Kịch bản tồi tệ nhất là Brexit không thỏa thuận vào 29.3 và Mỹ chính thức tăng thuế bổ sung vào hàng hóa Trung Quốc từ 1.3 đã không xảy ra hoặc khó có thể xảy ra đã khiến cho các hàng hóa trú ẩn là vàng, JPY và trái phiếu chính phủ quay đầu giảm giá sau khi tăng mạnh trước đó.
Trong khi đó, đồng CNY của Trung Quốc cũng mất giá khi Chính phủ Trung Quốc hạ mức kỳ vọng đối với các chỉ số chính về tăng trưởng kinh tế và các số liệu xuất nhập khẩu của Trung Quốc thấp hơn kỳ vọng (Xuất khẩu của Trung Quốc tháng 2 giảm mạnh nhất trong 3 năm)
Giới chuyên gia cho rằng, đồng USD vẫn có giá trị đặc biệt trong bối cảnh kinh tế, chính trị vẫn còn nhiều bất định như hiện nay.
“Đồng bạc xanh vẫn có giá trị rất cao, nhà đầu tư họ vẫn đổ vào USD để có 1 giá trị vững vàng. Chính vì lý do này, USD vẫn được đẩy lên cao”, ông Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Theo các nhà phân tích, việc Fed không tăng lãi suất đồng USD lên hoặc chỉ tăng 1 lần trong năm 2019 sẽ làm giảm giá trị đồng USD. Tuy nhiên, lực kéo đó không đủ để bù trừ lại nhu cầu của thị trường. Chính vì thế, giá USD vẫn tăng mặc dù Fed không tăng lãi suất trong năm nay.
Tiền đồng giảm giá tối đa 3%
Trên thị trường trong nước, bước sóng của tỷ giá VND/USD cũng dày hơn. Tuy nhiên, so với 28.12.2018, tỷ giá VND/USD không có sự thay đổi lớn, gần như ngang, với giá trị thấp hơn so với năm 2018.
Tỷ giá bình quân VND/USD hiện quang ngưỡng 23.200 VND/USD. Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá mua/bán cũng được các ngân hàng ổn định ở mức 23.150 VND/USD và 23.250 VND/USD.
Diễn biến cặp tỷ giá VND/USD trong thời gian qua
Theo các chuyên gia kinh tế, áp lực đối với lãi suất và tỷ giá hiện nay đã giảm rất nhiều so với năm trước. Sức ép lên VND trong năm 2019 được dự báo là không quá lớn, nhờ dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước được củng cố và duy trì ở mức khá, USD nhiều khả năng sẽ đi xuống nhẹ trong năm 2019 khi Fed giãn tăng lãi suất. Ngoài ra, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư 7,2 tỷ USD trong năm 2018 sẽ tạo thêm dư địa cho ổn định tỷ giá tại Việt Nam.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo, năm 2019, khả năng USD không tăng nhiều, thậm chí có thể suy yếu hơn; lạm phát trong nước khả năng kiểm soát ở mức khoảng 4%, do giá hàng hóa thế giới tăng không lớn, áp lực lên tỷ giá giảm bớt.
Nhiều ý kiến cho rằng, năm 2019, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ tăng nhẹ tỷ giá VND/USD, khoảng 1,5 -2%, nhằm cân đối hai mục tiêu là ổn định vĩ mô và hỗ trợ xuất khẩu.
Đồng USD mạnh lên so với VND nhằm hỗ trợ xuất khẩu
Đồng quan điểm, song chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, “Cho tới thời điểm này, tỷ giá vẫn ổn định, tuy nhiên từ giờ tới cuối năm giá vẫn tiếp tục biến động. Tỷ giá VND/USD sẽ mất giá khoảng 3% trong năm nay”.
Do đó, chuyên gia kinh tế khuyến cáo, các doanh nghiệp nên mua những hợp đồng giao trong tương lai. Những hợp đồng tương lai như vậy sẽ bảo đảm doanh nghiệp có thể mua được một số lượng ngoại tệ hay bán số lượng ngoại tệ với giá họ đã thương thảo và chốt với ngân hàng. Đây là cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro do những biến động tỷ giá ảnh hưởng đến tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Nguồn: danviet.vn