English
13/082019
Vàng tăng ảnh hưởng chính sách tiền tệ

Nhiều nguyên nhân nội công ngoại kích
Trước tiên phải nhắc lại vào tháng 8-2011, giá vàng thế giới đã ở mức 1.900USD/ounce, còn trong nước từ tháng 8 đến 11-2011 giá vàng lên 48-49 triệu đồng/lượng. Từ đó đến nay trong vòng 8 năm, giá vàng lần đầu tiên vượt mức 1.500USD/ounce vào ngày 8-8.

Với giá vàng trong nước, trong vòng 6 năm trở lại đây mới cán lại mốc 42 triệu đồng/lượng. So với đỉnh 10 năm qua, giá vàng thế giới và trong nước hiện tại chưa tiệm cận mức cao nhất, nhưng có thể cảnh báo xu hướng vàng có thể tăng giá trong trung hạn vẫn còn chi phối.

 Có thể nói, ngay lúc này đà tăng của vàng có thể ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, vì người dân có thể rút tiền gửi ở một số khoản ngắn hạn với lãi suất chỉ 5%/năm đổi ra mua vàng. 

Xu hướng này xuất phát từ một số yếu tố. Thứ nhất, cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày 31-7 vừa qua cho thấy chính sách tiền tệ của Mỹ đã xoay trục. Sau khi nâng lãi suất 4 lần trong năm 2018, lần đầu tiên trong vòng một thập niên (tính từ tháng 12-2008), FED đã hạ lãi suất.

Với giá trị của đồng USD đang chi phối phần lớn nền kinh tế thế giới, trong đó gắn chặt với giá vàng, động thái này đã làm giá vàng tăng lên. Thứ hai, thương chiến Mỹ – Trung thổi bùng nguy cơ mất an toàn tại 2 nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới. 2 nước này đang chăm chăm vào việc đưa nền kinh tế của mình thành nền kinh tế thống trị. Trong đó, một nền kinh tế đang cố gắng duy trì vị trí thống trị, một nền kinh tế đang tìm cách vươn lên để thống trị.

Tôi cho rằng từ đây đến tháng 10-2020, tức trong thời điểm tranh cử nhạy cảm của Tổng thống Mỹ Donald Trump, việc tăng mạnh thương chiến Mỹ – Trung để lấy ưu thế cho nước Mỹ, lấy phiếu của cử tri – chính sách nước Mỹ đã và đang áp dụng – sẽ tiếp tục được áp dụng đến khi kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ được rõ ràng vào năm tới.

Yếu tố nữa ủng hộ giá vàng tăng là tình hình địa chính trị trên thế giới đang có một số xung đột, đặc biệt là căng thẳng ở Vịnh Oman giữa Mỹ với Iran. Cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran cũng tiềm ẩn những rủi ro cho giá dầu, đặc biệt là vàng – nơi trú ẩn an toàn khi xảy ra xung đột chiến tranh.

Bên cạnh đó là xung đột Mỹ – Triều vẫn chưa dịu. Sau cuộc gặp ngày 30-6 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un hơn 1 tiếng đồng hồ tại Bàn Môn Điếm, mọi việc cũng trở về con số 0, khi một bên bắt đầu tập trận và một bên liên tục phóng tên lửa tầm ngắn. Điểm lại như vậy cho thấy giá vàng trong trung hạn, nhất là từ đây đến cuối năm được ủng hộ tăng cao, điển hình giá vàng thế giới đã tăng vượt mốc 1.500USD/ounce.

Liệu giá vàng có chọc thủng 1.600USD/ounce?

Sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang trực thuộc FED (FOMC) ngày 31-7, giá vàng đã tăng kỷ lục. Đầu tiên các dự báo đưa ra mức 1.400USD/ounce, sau đó 1.470USD/ounce, 1.500USD/ounce và đến ngày 8-8 giá vàng vượt 1.500USD/ounce. Nếu chỉ xét những nguy cơ tiềm ẩn giữa cuộc thương chiến Mỹ – Trung và nguy cơ chính sách tiền tệ của Mỹ xoay trục, chưa tính tới yếu tố bộc phát của Mỹ và Iran, tôi nghĩ giá vàng vẫn sẽ đứng ở mức giá cao từ 1.500USD/ounce trở lên.

Còn chuyện lên mức 1.600USD/ounce, cần thấy giá vàng đã lên 1.500USD/ounce sẽ dẫn đến suy nghĩ vàng tiếp tục phá vỡ mức cản. Nhưng dư địa để giá vàng tăng lên mức của tháng 8-2011 là 1.900USD/ounce còn hay không? Theo tôi, nếu xét trên nguyên nhân thứ nhất khiến vàng tăng là chính sách tiền tệ nới lỏng của Mỹ chưa đủ chín để vàng tăng lên 1.900USD/ounce.

Vì năm 2008, khi bắt đầu các chương trình nới lỏng định lượng, Mỹ đã giảm lãi suất và giảm từ thời ông Alan Greenspan đến thời ông Ben Bernanke (các cựu Chủ tịch FED). Lúc đó, lãi suất đồng USD trên 4%/năm đã được giảm liên tục xuống còn 0%/năm, tức có khoảng cách giảm đến 4%.

Trong khi đó, Chủ tịch FED hiện lại là ông Jerome Powell chỉ có giảm 2,25%/năm, mức giảm chỉ bằng phân nửa so với mức giảm của đồng USD vào năm 2008. Để giá vàng trở lại lập đỉnh trong vòng 10 năm 1.900USD/ounce phải vượt qua các mốc 1.600, 1.700 và 1.800USD/ounce. Tôi cho rằng dư địa để giá vàng tăng cao từ nguyên nhân thứ nhất sẽ yếu hơn năm 2008. Đây là vấn đề giới đầu tư phải tỉnh táo và chú ý. Vàng sẽ không phá vỡ các rào cản giá để lên mức 1.600, 1.700, 1.800 rồi 1.900USD/ounce vì dư địa giảm lãi suất chỉ còn 50%.

Vấn đề thứ hai, thời điểm tăng giá vàng lịch sử từ 2008-2011, Mỹ thực sự lâm vào khủng hoảng, đã tung ra 3 gói nới lỏng định lượng lên tới hơn 4.000 tỷ USD. Còn hiện tại, Mỹ mới dùng biện pháp giảm lãi suất và tăng thuế đối với hàng hóa ở Trung Quốc.

Do vậy, việc cung tiền tăng lên để làm vàng tăng giá bộc phát như tháng 8-2011 cũng hạn chế, chỉ diễn ra từ nay đến tháng 10-2020. Bởi lẽ, dưới mỗi thời Tổng thống Mỹ có chính sách khác nhau, tùy theo Tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa hay Dân chủ, hoặc tùy theo cá nhân của Tổng thống đó. Như vậy, khi có kết quả bầu cử mới có thể xác định chắc chắn lại chính sách tiền tệ của Mỹ.

Cẩn trọng khi đầu tư ăn theo vàng

Từ mức 1.480USD/ounce đầu tháng 6, đến ngày 8-8 tăng lên 1.500USD/ounce, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 17-18%. Cùng thời điểm giá vàng trong nước đã đeo bám sát giá thế giới ở vùng 42,5 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng trong nước cũng theo kịp mức tăng của giá vàng thế giới khi tăng khoảng 15-16%, một con số kỷ lục.

Theo đó, mỗi khi giá vàng thế giới tăng khoảng 100USD/ounce, giá vàng trong nước cũng tăng ít nhất 2,3-2,5 triệu đồng/lượng. Nếu mức tiệm cận 1.600USD/ounce đạt được vào tháng 9, giá vàng trong nước sẽ tiệm cận mức 44-45 triệu đồng/lượng.

Với mức tăng của vàng thế giới và trong nước tính từ 4-6 đến nay đạt 16-17%, giá vàng đã tăng gấp đôi lãi suất tiết kiệm 12 tháng (bình quân 8%/năm), cao hơn lãi suất trái phiếu doanh nghiệp (phổ biến 12-14%/năm) và cao hơn tỷ suất lợi nhuận chứng khoán cả năm 2018.

Tỷ suất lợi nhuận của vàng từ ngày 4-6 đến nay cũng thách thức cả kênh bất động sản. Chính vì thế có thể nói, ngay lúc này đà tăng của vàng có thể ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, vì người dân có thể rút tiền gửi ở một số khoản ngắn hạn với lãi suất chỉ 5%/năm đổi ra mua vàng.

Từ nay đến cuối năm, xu thế này chắc chắn ảnh hưởng đến dòng tiền gửi, kể cả sẽ có một dòng điều chuyển từ thị trường chứng khoán, hoặc từ những dự án bất động sản, nếu nhà đầu tư cảm thấy đã có lời và tất toán được. Đó là về những mô hình đầu tư đang dang dở. Ngoài ra, đã có hiện tượng nhiều người có tiền nhàn rỗi để mua vàng.

Vàng cũng là kênh đầu tư khả thi đối với những người có tiền nhàn rỗi. Nhưng nếu giả sử phải tất toán những danh mục đầu tư dang dở như chứng khoán, bất động sản hay tất toán tiền gửi trước hạn cũng nên xem xét lại. Bởi ngay lúc này nhảy vào đầu tư vàng, chúng ta đã mất 17% tăng giá trước đó.

Nếu các danh mục đó có lời, nhà đầu tư có thể tất toán và chuyển một ít sang kênh đầu tư vàng cũng hợp lý, nhưng nếu tất toán lỗ để chuyển sang đầu tư vàng, cái giá phải trả khá lớn khi mất mát ở cả 2 kênh.

Yên Lam (ghi)

Nguồn: Sài Gòn Đầu tư tài chính