Theo World Bank, tăng trưởng trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương được dự báo sẽ chững lại còn 5,7% vào năm 2020, do tăng trưởng của Trung Quốc tiếp tục giảm còn 5,9%.
Diễn biến đó phản ánh trở ngại tiếp tục diễn ra cả trong nước và bên ngoài, bao gồm tác động kéo dài của căng thẳng thương mại, dù đã có thỏa thuận giai đoạn một giữa Trung Quốc và Mỹ.
World Bank cũng cho rằng triển vọng trên còn phụ thuộc vào giả định rằng căng thăng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ không tiếp tục leo thang và thương mại toàn cầu dần ổn định. Một giả định nữa là các cấp có thẩm quyền tại Trung Quốc tiếp tục triển khai các chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm khắc phục tác động tiêu cực do xuất khẩu yếu đi.
Theo tổ chức này, tăng trưởng trong khu vực nếu không tính Trung Quốc được dự báo sẽ khôi phục nhẹ lên 4,9%, do sức cầu trong nước được hưởng lợi nhờ tình hình tài chính nhìn chung thuận lợi, với lạm phát thấp và dòng vốn đầu tư mạnh mẽ đổ vào một số quốc gia, như Campuchia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, kết hợp với các dự án hạ tầng công quy mô lớn được đưa vào sử dụng ở Philippines và Thái Lan.
Tăng trưởng của khu vực cũng được hưởng lợi nhờ giảm bất định về chính sách thương mại trên toàn cầu và thương mại toàn cầu được hồi phục nhẹ, cho dù chưa mạnh.
Tăng trưởng ở Malaysia dự kiến sẽ chững nhẹ còn 4,5%, do tăng trưởng xuất khẩu yếu nhưng phần nào được bù đắp bởi sức cầu mạnh trong nước, trên cơ sở điều kiện huy động tài chính thuận lợi, đầu tư được khôi phục, thị trường lao động ổn định và lạm phát thấp.
Tăng trưởng ở Indonesia, ít phụ thuộc vào tăng xuất khẩu hơn so với các nền kinh tế khác trong khu vực, được dự báo sẽ nhích lên 5,1%, do tiếp tục được trợ lực bởi tiêu dùng tư nhân, đầu tư tăng nhẹ, tăng dân số trong độ tuổi lao động, và cải thiện ở thị trường lao động.
Còn kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng đạt 6,5% trong năm 2020 và năm 2021, sau đó sẽ giảm xuống 6,4% vào năm 2022.
Đối với vấn đề rủi ro, World Bank cho biết về tổng thể, rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng đã bớt đi, nhưng vẫn nghiêng theo hướng tạo ảnh hưởng suy giảm. Rủi ro theo hướng suy giảm có thể bao gồm thương mại toàn cầu giảm mạnh do căng thẳng thương mại tái leo thang, các nền kinh tế lớn suy giảm mạnh hơn dự kiến…
Giả định theo hướng tốt với dự báo trên là thỏa thuận thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ có thể dẫn đến tình trạng bất định về thương mại giảm bền vững, dẫn đến thương mại và đầu tư trong khu vực được phục hồi mạnh hơn dự kiến.
Mặc dù hầu hết các quốc gia lớn nhìn chung đều có căn bản tốt về kinh tế – với thành tích tăng trưởng kinh tế vững, tăng trưởng năng suất lao động cao, mạng lưới người tiêu dùng lớn, nền kinh tế được đa dạng hóa, khung chính sách lành mạnh và dư địa chính sách dồi dào – nhưng khu vực vẫn dễ bị tổn thương với những rủi ro liên quan đến thay đổi đột biến về tình hình tài chính toàn cầu.
Nguồn: Trí thức trẻ