Thủ tướng đã nhấn mạnh như thế và yêu cầu cùng với việc lo chống dịch bệnh thì cần phải tích cực tìm các giải pháp đảm bảo phát triển kinh tế.
“Tình hình dịch bệnh nằm trong tầm kiểm soát và cần phải lo phát triển kinh tế, giữ gìn quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội, tinh thần là không được vì việc này mà bỏ mất việc kia”. Chiều 12-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ như trên.
Khởi công dự án lớn để lan tỏa phát triển
Trong báo cáo gửi Thường trực Chính phủ, Bộ KH&ĐT nhận định: Dịch Corona (Covid-19) diễn ra rất nhanh, nghiêm trọng, phức tạp, khó lường và chưa dự báo được đỉnh dịch, thời điểm kết thúc, quy mô và phạm vi tác động. Dịch ảnh hưởng tới hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội. Từ nông, lâm, ngư nghiệp đến sản xuất công nghiệp, đầu tư, du lịch, vận tải, các ngành dịch vụ, xuất – nhập khẩu, chỉ số giá tiêu dùng, lao động, giáo dục.
Bộ KH&ĐT đưa ra hai kịch bản tăng trưởng tùy thuộc vào việc khống chế dịch.
Theo đó, nếu khống chế được dịch trong quý I-2020 thì tăng trưởng của Việt Nam dự báo là 6,25%, giảm 0,55 điểm % so với Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Còn dịch được khống chế trong quý II-2020 thì tăng trưởng của Việt Nam dự báo là 5,96%, giảm 0,84 điểm % so với Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Ngoài những giải pháp kiến nghị Thủ tướng giao cụ thể cho các bộ, ngành thì Bộ KH&ĐT còn kiến nghị hai giải pháp chủ chốt. Trong đó nhấn mạnh việc khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt.
Đặc biệt, bộ này đề nghị khẩn trương hoàn thành thủ tục các dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng, đa mục tiêu, kịp thời khắc phục các tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng nhằm hỗ trợ sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế – xã hội…
Một số dự án được đề cập là đường bộ cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành, đường ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An, các dự án giao thông và thủy lợi giữ nước ngọt tại vùng ĐBSCL….
Bộ KH&ĐT còn kiến nghị hai giải pháp chủ chốt, trong đó nhấn mạnh việc khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước. Trong ảnh: Người dân mua thực phẩm tại một siêu thị ở TP.HCM trong thời điểm dịch Corona đang diễn biến phức tạp. Ảnh: HOÀNG GIANG
Chống “virus trì trệ”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Tiếp tục thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển tốt nhất nhằm hoàn thành nhiệm vụ thì phải chống cả hai loại virus. Một là virus Corona và “virus trì trệ”, không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh nên không hành động, ảnh hưởng lớn đến kinh tế – xã hội của đất nước.
Thủ tướng yêu cầu không được đổ lỗi cho khách quan, không chịu triển khai những biện pháp mới, không chịu tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, sản phẩm do ảnh hưởng của dịch bệnh, làm sụt giảm tăng trưởng, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm, thu nhập của người dân.
“Làm sao tái cơ cấu nền kinh tế, giảm chi phí và những chính sách nào thúc đẩy phát triển?”, Thủ tướng đặt vấn đề và lưu ý các biện pháp về cả kích cầu, thúc đẩy giải ngân hay chính sách giảm phí, lệ phí và dịch vụ khác, làm sao giảm lãi suất và chuyển đổi thị trường.
Về mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng nhấn mạnh chưa thay đổi nhưng cần có kịch bản và giao Bộ KH&ĐT hoàn thiện các phương án, trong đó có phương án giữ mục tiêu tăng trưởng 6,8% như Quốc hội giao để đề ra các chính sách phù hợp.
Thủ tướng lưu ý cán bộ, công chức của các bộ, ngành, địa phương không được vô cảm trước tình hình khó khăn, cần bình tĩnh nhưng quyết tâm cao. Theo Thủ tướng, kiểm soát dịch bệnh cần mạnh mẽ nhưng phải bình tĩnh, kiên quyết, bảo đảm an toàn cho người dân, bảo đảm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ổn định, ổn định tâm lý tiêu dùng và tâm lý doanh nghiệp.
“Chống dịch quyết liệt, đồng bộ nhưng không phải đóng cửa, tất cả không hoạt động gì” – Thủ tướng nói và yêu cầu các ngành, các địa phương phát động các nhà máy, xí nghiệp, siêu thị, các danh lam thắng cảnh, di tích hoạt động bình thường.
Thủ tướng cũng nêu rõ một số biện pháp giảm chi phí thuộc thẩm quyền của Chính phủ như lệ phí visa, chi phí logistics… Không tăng giá dịch vụ như điện, y tế, giáo dục và các dịch vụ khác. Đẩy mạnh đầu tư công và các công trình trọng điểm, đẩy mạnh giải ngân ODA, FDI, đầu tư xã hội. Cùng với đó, cần phải tổ chức sản xuất, tái cơ cấu thị trường, coi trọng thị trường nội địa, mở rộng thị trường quốc tế. Tính toán kịp thời nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất.
Phải có ngay gói chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp
Trong báo cáo, Bộ KH&ĐT cũng đề xuất một số giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh trong thời gian dịch. Bộ đề nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch. Chính sách này cần được báo cáo ngay trong tháng 2. Ngoài ra, cần có giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp logistics, bán lẻ, sản xuất, chế biến hàng nông lâm thủy sản, dịch vụ, du lịch. Các biện pháp hỗ trợ như gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế; miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu… |