English
10/072019
Rủi ro xuyên biên giới, thách thức cho chính sách tiền tệ trung và dài hạn

Chia sẻ với Đặc san Ngân hàng, ông Nguyễn Văn Thùy, Phó trưởng ban, phụ trách Ban Nghiên cứu và điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ Việt Nam trong trung và dài hạn là vấn đề về rủi ro xuyên biên giới, khi mà các tổ chức tài chính ngày càng mở rộng về quy mô và phạm vi hoạt động trên toàn cầu...

Việc điều hành chính sách tiền tệ tại Việt Nam được cho là chịu ảnh hưởng lớn từ diễn biến kinh tế thế giới do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. Ông nhận định gì về điều này, thưa ông?

Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn trên thế giới, với tổng kim ngạch thương mại tương đương 200% GDP năm 2018. Ngoài ra, Việt Nam cũng ghi nhận nhiều thành công trong các nỗ lực hội nhập quốc tế với việc gia nhập các hiệp định thương mại tự do (WTO, CPTPP, EVFTA…).

Vì vậy, nền kinh tế Việt Nam ngày càng trở nên nhạy cảm hơn với các biến động kinh tế – tài chính thế giới. Chính sách tiền tệ của Việt Nam bị ảnh hưởng, tác động bởi các yếu tố quốc tế là tất yếu khách quan trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và hệ thống tài chính nói riêng đang ngày càng hội nhập sâu, rộng vào sân chơi quốc tế.

Diễn biến của kinh tế – tài chính thế giới có thể tác động 2 mặt, cả tiêu cực và tích cực, đến việc điều hành chính sách tiền tệ trong nước thời gian qua. Về mặt tiêu cực, tác động bất lợi dễ thấy nhất của các yếu tố bên ngoài này là gây sức ép lên tỷ giá tiền đồng.
Chẳng hạn,  năm 2015, do sự biến động kinh tế toàn cầu dẫn đến điều chỉnh tỷ giá Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào cuối năm 2015 gây áp lực lớn đến tỷ giá ở Việt Nam.
Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh tỷ giá tăng 3 lần trong năm 2015 (tháng 1, tháng 5 và tháng 8) với tỷ lệ 1%/lần. Tiếp đó, trong tháng 8/2015, do áp lực phá giá mạnh NDT và một số biến động khác của kinh tế thế giới, NHNN cũng đã điều chỉnh biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-2% vào ngày 12/8 và lên +/-3% vào ngày 19/8/2015.

Ở mặt tích cực, những biến động từ quốc tế đã hỗ trợ mục tiêu của chính sách tiền tệ trong nước. Đơn cử, trong năm 2017, tỷ giá USD/VND tương đối ổn định do một trong những yếu tố quốc tế thuận lợi là USD mất giá trên thị trường quốc tế (chỉ số USD Index giảm 9,1% so với đầu năm), bất chấp Fed tăng lãi suất nhiều lần do tác động của chính sách chống thâm hụt thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tóm lại, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu và rộng với nền kinh tế thế giới, kéo theo thương mại và lưu chuyển vốn quốc tế diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn, thì việc xây dựng và điều hành chính sách tiền tệ trở nên phức tạp và khó khăn hơn.

Do đó, chúng ta cần theo dõi, phân tích, đánh giá, dự báo sớm các biến động của kinh tế – tài chính thế giới, từ đó chủ động xây dựng, điều hành chính sách kinh tế nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng nhằm ứng phó kịp thời, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực, đồng thời tận dụng tốt các cơ hội khi kinh tế – tài chính thế giới diễn biến tích cực.

Việc chủ động điều chỉnh chính sách kinh tế – tiền tệ trong nước trước các diễn biến, tác động từ các yếu tố bên ngoài là rất quan trọng, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cũng như mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia trong từng thời kỳ.

Theo ông, những ảnh hưởng chủ yếu từ yếu tố quốc tế đối với chính sách tiền tệ của Việt Nam là gì?

Trong giai đoạn hiện nay, các yếu tố quốc tế có tác động không nhỏ đến việc điều hành chính sách tiền tệ trong nước, cụ thể:

Kinh tế thế giới diễn biến khó lường với nguy cơ tăng trưởng chậm lại: Theo Báo cáo triển vọng kinh tế  toàn cầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tháng 1/2019, tăng trưởng kinh tế toàn cầu ước đạt 3,7% năm 2018 (tương đương mức tăng của năm 2017), dự báo giảm còn 3,5% trong năm 2019 và 3,6% vào năm 2020.

Rủi ro suy giảm kinh tế có xu hướng gia tăng khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc dự báo còn kéo dài. Thương mại toàn cầu tăng chậm lại sẽ làm ảnh hưởng đến sức cầu từ các nước đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Rủi ro từ biến động của giá dầu, giá lương thực, thực phẩm trên thị trường hàng hóa thế giới: Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, giá lương thực, thực phẩm sẽ tăng 1,4% trong năm 2019 và duy trì tốc độ tăng tới năm 2025. Theo IMF (tháng 1/2019), lạm phát của khu vực các quốc gia mới nổi có thể tăng từ 4,3% năm 2017 lên 5,1% năm 2019 và sau đó có thể giảm nhẹ xuống 4,6% vào năm 2020.

ảnh 2

Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn trên thế giới
Chính sách tiền tệ của các nước lớn có những chuyển biến mạnh: Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới thận trọng hơn trong việc thắt chặt chính chính sách tiền tệ. Theo đó, nhiều khả năng Fed không tăng lãi suất trong năm 2019. Ngân hàng Trung ương Vương quốc Anh dừng kế hoạch tăng lãi suất trong thời gian tới do lo ngại về tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể tiếp tục mở rộng gói nới lỏng định lượng trong trường hợp đồng yên tiếp tục tăng giá mạnh, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế, cũng như mục tiêu lạm phát 2%. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ trong thời gian tới nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang trên đà giảm tốc.

Dòng vốn đầu tư toàn cầu biến động phức tạp: Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung còn nhiều diễn biến khó lường, cũng như động thái của ngân hàng trung ương các nước lớn có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, tác động đến thương mại toàn cầu và chu chuyển dòng vốn đầu tư.

Một số yếu tố khác ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ trong trung và dài hạn như việc các công nghệ tài chính phát triển không ngừng trong dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khiến các sản phẩm tài chính mới có xu hướng hình thành nhanh và gắn với các yếu tố công nghệ.

Điều này sẽ tác động đến việc điều hành chính sách tiền tệ trong tương lai. Bên cạnh đó, vấn đề rủi ro xuyên biên giới khi các tổ chức tài chính ngày càng mở rộng về quy mô và phạm vi hoạt động toàn cầu khiến chính sách của cơ quan quản lý về tiền tệ cần phải có “độ mở” tương ứng.

Ở góc độ cơ quan giám sát tài chính quốc gia, ông có gợi ý gì về điều hành chính sách tiền tệ thích ứng với các diễn biến của kinh tế – tài chính quốc tế?

Với mục tiêu tận dụng được cơ hội và giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế nói chung và hệ thống tài chính nói riêng từ yếu tố quốc tế, tôi có một số gợi mở về chính sách như sau:

Thứ nhất, luôn bám sát diễn biến tình hình kinh tế – tài chính toàn cầu để điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt. Trong giai đoạn kinh tế – tài chính toàn cầu có nhiều yếu tố khó lường như hiện nay, việc điều hành chính sách tiền tệ cần thận trọng nhằm kiểm soát lạm phát, đồng thời giảm áp lực lên tỷ giá.

Thứ hai, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm các bất ổn về kinh tế vĩ mô cũng như tiền tệ để tránh bị động về chính sách, đặc biệt khi diễn biến kinh tế – tài chính toàn cầu biến động khó lường và ẩn chứa nhiều yếu tố bất định.

Thứ ba, điều hành chính sách tiền tệ ổn định và có sự linh hoạt nhất định đặt trong mối quan hệ tổng hòa với các chính sách kinh tế vĩ mô khác, bên cạnh những diễn biến thực tế của kinh tế trong nước và trên thế giới.

Về mặt lý luận cũng như thực tiễn, chính sách tiền tệ có quan hệ chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách thương mại… nhằm mục tiêu chung là ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng. Do đó, cũng cần có cơ chế điều phối chính sách để phát huy tối đa vai trò của chính sách trong phát triển kinh tế.

Thứ tư, tăng cường hợp tác, chia sẻ quốc tế. Trong bối cảnh hệ thống tài chính toàn cầu ngày càng phát triển, các rủi ro xuyên biên giới là khó tránh khỏi, cần tăng cường hợp tác, chia sẻ, trao đổi giữa các cơ quan quản lý tiền tệ, các cơ quan giám sát tài chính để xác định, phòng ngừa, cũng như trao đổi các biện pháp xử lý kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro phát sinh (nếu có).

Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn