English
17/062019
Tăng cường an toàn nền tài chính quốc gia

Theo con số được công bố, mặc dù bội chi ngân sách đang có chiều hướng giảm nhưng nợ công của Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực.

Thực tế này đặt ra nhiệm vụ phải có các giải pháp nhằm tăng thu, giảm chi và giảm vay nợ. Việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế để tăng cường an toàn nền tài chính quốc gia, trong đó có các nước thuộc Mạng lưới chi tiêu công tại châu Á (PEMNA) có ý nghĩa rất quan trọng.

Thu ngân sách những năm gần đây luôn tăng cao và đạt hơn 23%/GDP, trong đó, thuế phí chiếm tới 83% tổng thu ngân sách. Thu từ dầu khí và tài nguyên khoáng sản chỉ còn dưới 4%.

Ảnh minh họa.

Bội chi ngân sách còn dưới 3%/GDP khiến nợ công giảm. Trong nợ công, trên 60% là vay trái phiếu Chính phủ trong nước có kỳ hạn dài với lãi suất thấp. Tuy nhiên, nền tài chính quốc gia vẫn còn nhiều thách thức.

Tại Hội nghị Mạng lưới quản lý chi tiêu công tại châu Á lần thứ 8 do Bộ Tài chính Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức, đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng, số thuế thu được so với tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước Đông Á đang thấp so với khu vực khác. Nguồn thu dựa chủ yếu vào thuế gián thu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, trong khi đó, các loại thuế trực thu như thuế thu nhập cá nhân lại đang chiếm tỷ trọng nhỏ.

Để tăng trưởng kinh tế bền vững, Việt Nam cần giải quyết được tình trạng giải ngân chậm, sử dụng không hiệu quả vốn đầu tư công và tăng tỷ lệ đầu tư công trong chi tiêu ngân sách. Mặt khác, Việt Nam phải chống được hiện tượng trốn thuế thông qua chuyển giá, chuyển lợi nhuận và kinh doanh thương mại điện tử của các công ty đa quốc gia.

Nguồn: doanhnghiepvn.vn