English
03/022020
Thị trường tài chính trong tâm bão corona

Dịch viêm phổi do virus corona (nCoV) từ đầu năm 2020 đã gây hậu quả nghiêm trọng trên mọi lĩnh vực. Hậu quả tiêu cực đến kinh tế chưa thống kê được, nhưng chắc chắn là không nhỏ bởi Trung Quốc vốn là nền kinh tế số 2 thế giới.

Thị trường toàn cầu chao đảo
Dù số liệu thiệt hại kinh tế chưa thống kê được đầy đủ, nhưng thị trường tài chính (TTTC) đã phản ánh ngay lập tức vào giá. Giá vàng châu Á tuần qua đã tăng thêm gần 20USD, tiến sát 1.590USD/oz và duy trì trong suốt tuần. Giá vàng trong nước cũng tiến sát 45 triệu đồng/lượng.
Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ lao dốc khi chỉ số Dow Jones, mất luôn mốc 29.000 điểm và ngày càng xa rời ngưỡng kỷ lục đạt được hồi đầu năm. Chỉ số VIX – thước đo mức độ sợ hãi trên thị trường – tăng lên trên mức cao nhất 2 tháng.
Các TTCK Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan – những quốc gia đã ghi nhận các trường hợp lây nhiễm virus corona đồng loạt đi xuống. Chỉ số CK Trung Quốc giảm mạnh nhất, như Hang Seng của Hồng Kông, CSI 300 của Trung Quốc đại lục và cả chỉ số Thượng Hải.
Mức giảm mạnh nhất thuộc về giá dầu, khi dầu thô ngọt nhẹ lao về sát mốc 50USD/thùng, do giới đầu tư toàn cầu bán tháo vì lo ngại nhu cầu sụt giảm nghiêm trọng của nền kinh tế số 2 thế giới sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng, kéo theo sự sụt giảm nhu cầu của các nước khác.
Số liệu thống kê chỉ riêng lĩnh vực giao thông trong giai đoạn Tết của Trung Quốc đã giảm hơn 40%. Tính ra trong 3 tuần qua giá dầu đã giảm tới 20% (từ mốc 65USD/thùng).
Lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ cũng giảm, gây lo ngại đường cong lợi suất bị đảo ngược thêm lần nữa, khi dòng tiền đổ mạnh vào đây đẩy giá tăng. Số liệu thống kê chỉ 1 tuần trong tháng 1-2020, giới đầu tư đã rút 13,1 tỷ USD ra khỏi các quỹ tương hỗ và các quỹ ETF nắm giữ CK Mỹ, nhưng lại đổ 24,7 tỷ USD vào các quỹ trái phiếu, đánh dấu tuần rót vốn lớn nhất kể từ năm 2013.
Trong khi đó, TTCK Việt Nam đóng cửa nghỉ Tết nên không bị ảnh hưởng trong giai đoạn này, nhưng đã giảm cực mạnh vào phiên mở cửa đầu Xuân Canh Tý. Cụ thể, trong phiên 30-1, VN Index bốc hơi hơn 31 điểm (tương đương 3,22%) và thủng luôn mốc hỗ trợ 960 điểm.
Ngược lại, các tài sản an toàn tiếp tục lên ngôi khi các kênh đầu tư rủi ro bị bán tháo. Ngoài vàng, đồng Franc Thụy Sĩ (CHF), yen Nhật Bản (JPY) đều tăng nhưng mức độ yếu hơn.

Tiền số cũng được hưởng lợi trong bối cảnh này, khi Bitcoin và hầu hết Altcoin đều tăng. Trong đó Bitcoin đã vượt mốc 9.000USD, đặc biệt Bitcoin SV có thời điểm tăng hơn 4 lần, chạm mốc 400USD.

Tương lai bất ổn

 Nhiều nước có nền kinh tế tiệm cận suy thoái trong năm 2019 sẽ càng rủi ro hơn và khó tránh được suy thoái nếu dịch cúm corona tiếp tục kéo dài. Trung Quốc vốn đã có mức tăng trưởng ngày càng giảm và đang đứng ở mức thấp nhất 30 năm nay sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực hơn, đe dọa tăng trưởng kinh tế thế giới vốn đã rất yếu.

Có thể nói, thiệt hại kinh tế không nhỏ ở mức độ toàn cầu khi dịch cúm corona chưa có hồi kết. Thậm chí, nhiều dự báo cho rằng dịch chưa tới đỉnh điểm, nên trong tương lai gần TTTC bao trùm xu hướng tiêu cực nhiều hơn. Dòng tiền sẽ tìm nơi trú ẩn an toàn nên các kênh đầu tư được xem là “vịnh tránh bão” sẽ hút được dòng tiền.

Ngay cả các kênh đầu tư mạo hiểm, vốn được xem là rủi ro như CK thì nhóm ngành y tế mới được lợi. Cổ phiếu nhóm y tế, dược phẩm ở TTCK các nước đều tăng và trong nước cũng không phải ngoại lệ, khi các ngành khác đều giảm điểm trong phiên giao dịch đầu Xuân mới nhưng nhóm này vẫn tăng.
Trên thực tế, nếu không có dịch cúm corona, TTTC nhìn chung đã khá yếu và dòng tiền năm qua vẫn tập trung nhiều ở các kênh đầu tư an toàn. Sau khi Mỹ – Trung ký thỏa thuận giai đoạn 1 giúp thương chiến dịu bớt, đã hỗ trợ các kênh mạo hiểm như CK thúc đẩy các chỉ số CK Mỹ liên tục lập đỉnh.
Đồng Nhân dân tệ (CNY) tăng lại cùng với TPCP Mỹ, USDX giảm chung với vàng, đã hé lên tia hy vọng mới dù dòng tiền vẫn chưa thật sự quay lại. Tuy vậy, sự cố này có thể thổi bay luôn hy vọng đó ít nhất trong thời gian ngắn.
Bởi lẽ, dịch cúm corona chắc chắn không thể kết thúc một sớm một chiều, vaccine cùng các biện pháp điều trị hiệu quả cũng phải mất cả năm để phát triển, nhất là hậu quả của nó để lại cần nhiều thời gian để khắc phục.
Việc Trung Quốc kéo dài thời gian nghỉ Tết, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài quốc gia này buộc phải tạm dừng hoạt động ít nhất tới hết tháng 2, các hãng hàng không hủy một phần hoặc toàn bộ các chuyến bay đến Vũ Hán thậm chí là cả Trung Quốc, sẽ là “đòn chí mạng” vào nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Bên cạnh đó, lượng khách du lịch từ Trung Quốc luôn rất lớn toàn cầu, cũng như khách quốc tế đến Trung Quốc đều giảm rất mạnh, có nơi giảm tới 99%. Ngay cả những nước không có dịch người dân cũng hạn chế ra đường cũng như đến chỗ đông người, sẽ kéo theo rất nhiều ngành nghề lĩnh vực kinh doanh khác bị ảnh hưởng.
Nhiều tổ chức lớn như WB, IMF, OECD, The Economis đều dự báo kinh tế thế giới 2020 tăng trưởng chậm trước khi xảy ra dịch nCoV. Do đó yếu tố mới này sẽ tạo thêm áp lực vào kinh tế thế giới.
Vì thế, dòng tiền sẽ tiếp tục ở lại, thậm chí hút thêm vào các kênh đầu tư an toàn. Kinh tế thế giới vẫn đứng trước nỗi lo thương chiến khi giai đoạn 2 của thỏa thuận Mỹ – Trung được đánh giá khó đạt hơn và khó hoàn tất trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm nay.
Chiến tranh thương mại cũng đã lan rộng sang nhiều nước khác và cũng chưa có dấu hiệu kết thúc. Brexit sẽ khiến Anh thỏa thuận lại với các nước và chuyện này mới bắt đầu. Bên cạnh đó, chiến tranh tiền tệ, bất ổn Trung Đông, Mỹ Latin, Triều Tiên, biểu tình tại Hồng Kông, vấn đề vũ khí hạt nhân… vẫn còn chưa được giải quyết.
Từ thực tế trên, việc dự báo TTTC còn nhiều biến động, trong đó các nhóm được hưởng lợi sẽ thỏa tiêu chí trú ẩn của dòng tiền đó, như vàng, tiền gửi tiết kiệm, TPCP, CHF, JPY, một vài đồng tiền số có chức năng là “vịnh tránh bão” và cả các sản phẩm bảo hiểm. Dòng tiền có nhiều khả năng hạn chế, né bớt các kênh rủi ro như khởi nghiệp kinh doanh, cổ phiếu, ngoại hối và bất động sản.

Nguồn: saigondautu.com.vn