Chiều 21/01/2022, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết công tác 2021 và triển khai công tác năm 2022. Hội nghị vinh dự đón đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Đây là dịp để đánh giá, nhìn nhận lại kết quả công tác của năm qua, trên cơ sở đó, xác định những nhiệm vụ trọng tâm cho thời gian tới, qua đó tăng cường chất lượng công tác tham mưu điều hành chính sách về kinh tế vĩ mô hướng đến thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, về điều phối chính sách giám sát và giám sát chung thị trường tài chính.
Với vai trò là cơ quan tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong phân tích, đánh giá, dự báo tác động của thị trường tài chính đến kinh tế vĩ mô và tác động của chính sách kinh tế vĩ mô đến thị trường tài chính; điều phối hoạt động giám sát thị trường tài chính quốc gia (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm); giúp Thủ tướng Chính phủ giám sát chung thị trường tài chính quốc gia, trong năm 2021, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (Ủy ban) đã bám sát chương trình công tác của Chính phủ, chủ động xây dựng và triển khai chương trình công tác năm 2021, qua đó đã có nhiều báo cáo tham mưu, tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành chính sách kinh tế vĩ mô và giám sát chung thị trường tài chính, góp phần đảm bảo thị trường tài chính phát triển ổn định, đóng góp vào việc duy trì ổn định và phát triển kinh tế vĩ mô.
I. Về kết quả công tác năm 2021
1.1.Về công tác tham mưu, tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành chính sách kinh tế vĩ mô
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, biến động về kinh tế và thị trường tài chính thế giới, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, Ủy ban đã chủ động nghiên cứu, theo dõi sát tình hình, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề quan trọng đối với kinh tế – tài chính; trong đó, tập trung phân tích, dự báo, đánh giá tác động qua lại giữa thị trường tài chính và kinh tế vĩ mô nhằm phát hiện những yếu tố phát sinh bất thường và đề xuất các giải pháp xử lý.
– Ủy ban đã xây dựng các báo cáo để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia (HĐTVCSTCTTQG) về các vấn đề kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính trong các kỳ họp định kỳ; xây dựng các báo cáo chuyên đề, đột xuất đánh giá về diễn biến kinh tế thế giới và những tác động đến tình hình kinh tế vĩ mô, sự ổn định của hệ thống tài chính trong nước; đề xuất, kiến nghị các giải pháp góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính.
– Ủy ban đã tích cực tham mưu, đề xuất các giải pháp chính sách như: ngay từ đầu năm đã kiến nghị sớm công bố lộ trình tiêm vắc-xin và kế hoạch mở cửa nền kinh tế, đồng thời sớm bổ sung gói hỗ trợ kinh tế mới với quy mô lớn hơn và thời gian hỗ trợ đủ dài, tập trung vào các đối tượng cụ thể và xây dựng các tiêu chí ưu tiên hỗ trợ nhằm duy trì và tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và gia tăng tổng cầu của nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh không gian chính sách tài khóa và tiền tệ còn dư địa, lạm phát đang ở mức thấp, quy mô hỗ trợ của nền kinh tế còn nhỏ so với các nước trong khu vực.
Với tinh thần chủ động, tích cực tham gia cùng các bộ, ngành xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Ủy ban đã phát hành Báo cáo Một số giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 gửi Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo Quốc hội và các bộ, ngành liên quan để tham khảo. Về giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới, Ủy ban đề xuất các giải pháp, chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ quý IV/2021 đến khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đạt bao phủ toàn dân, các hoạt động kinh tế – xã hội trở lại bình thường (dự kiến trong quý II/2022) và Giai đoạn 2 từ khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đạt bao phủ toàn dân đến khi nền kinh tế sẵn sàng cho việc tái cơ cấu sau đại dịch, dự kiến đầu năm 2023.
1.2.Về công tác giám sát chung thị trường tài chính, giám sát hợp nhất tập đoàn tài chính
Theo sát các diễn biến TTTC trong năm qua, trên cơ sở tập trung phân tích, đánh giá, cảnh báo mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống tài chính – ngân hàng và nguy cơ rủi ro có thể xảy ra đối với TTTC quốc gia, Ủy ban đã kịp thời đánh giá, cảnh báo những yếu tố rủi ro có thể tác động đến an toàn hoạt động của hệ thống TCTD; cảnh báo rủi ro tồn tại trên TTCK; đánh giá và cảnh báo một số vấn đề trong lĩnh vực bảo hiểm; cảnh báo những rủi ro tập trung sở hữu cổ phần, tập trung tín dụng, rủi ro lan truyền… với các tập đoàn tài chính. Trên cơ sở đó, đã đề xuất nhiều giải pháp chính sách: tiếp tục theo dõi và giám sát chặt chẽ các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh, đảm bảo lộ trình trích lập dự phòng rủi ro theo quy định để tạo nguồn lực để xử lý nợ xấu trong thời gian tới; tiếp tục theo dõi, giám sát chặt hoạt động cấp tín dụng vào lĩnh vực BĐS; tăng cường giám sát các cổ phiếu biến động bất thường không gắn với kết quả kinh doanh; kiên quyết yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa phải niêm yết/đăng ký giao dịch cổ phiếu; khuyến khích phát hành TPDN ra công chúng và niêm yết TPDN, tổ chức hoạt động giao dịch TPDN trên hệ thống chuyên biệt; nghiên cứu ưu đãi thuế TNDN đối với công ty cổ phần có quy mô vốn lớn niêm yết cổ phiếu trên TTCK; thúc đẩy tái cơ cấu khu vực tài chính… Qua đó, đã góp phần đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của TTTC.
1.3. Về công tác điều phối hoạt động giám sát thị trường tài chính; xây dựng cơ chế chính sách, chiến lược, định hướng phát triển thị trường tài chính, Ủy ban đã tích cực tham gia ý kiến các đề án, báo cáo do Bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo, góp phần nâng cao hiệu quả quá trình điều phối hoạt động giám sát như: Chiến lược tài chính giai đoạn 2021-2030; Chiến lược nợ công 2021-2030; dự thảo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021-2030; Báo cáo đánh giá triển khai Quyết định 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 giai đoạn 2017-2020 về lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2021-2025; Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; Đề án xếp hạng tín nhiệm quốc gia giai đoạn 2021-2030; phương án xử lý, cơ cấu lại một số TCTD; dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt; Đề án phí bảo hiểm tiền gửi phân biệt; dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế…
1.4.Về công tác xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin giám sát tài chính quốc gia: Ủy ban đã xây dựng
Để làm cơ sở cho công tác phân tích, dự báo, đánh giá tác động của TTTC đến kinh tế vĩ mô và tác động của chính sách kinh tế vĩ mô đến TTTC, công tác giám sát hoạt động của các định chế tài chính và giám sát chung thị trường tài chính quốc gia, Ủy ban đã xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu chung về TTTC (hệ thống FMSIS, đưa vào sử dụng từ năm 2017 và đang tiếp tục được hoàn thiện). Đến nay, Ủy ban đã thu thập thông tin, báo cáo, dữ liệu từ 320 định chế tài chính[1] với hơn 500 mẫu biểu các loại và hàng triệu chỉ tiêu định kỳ (ngày, tuần, tháng, quý, năm). Thông tin, dữ liệu thu thập được thường xuyên rà soát, phát hiện sai sót để kịp thời hiệu chỉnh; hệ thống tiêu chuẩn dữ liệu được liên tục rà soát, cập nhật phù hợp với chế độ báo cáo của các cơ quan quản lý nhà nước. Hệ thống thông tin dữ liệu luôn được đảm bảo hoạt động an toàn, bảo mật theo quy định…
1.5.Về một số mặt công tác khác
Ủy ban đã thực hiện tốt công tác hợp tác giám sát thông qua việc chủ động triển khai các hình thức hội nghị, tọa đàm trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp nhằm tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật về chuyên môn của các cơ quan, tổ chức nước ngoài như Nhóm Ngân hàng thế giới (WBG), Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN (AMRO), Cơ quan hợp tác phát triển Luxembourg (Lux-Dev), một số tổ chức giám sát tài chính (FSS Hàn Quốc, FSC Đài Loan…), một số ngân hàng thương mại hàng đầu thế giới (HSBC, ANZ, Standard Chartered…). Đặc biệt, Ủy ban đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) triển khai Dự án “Nâng cao năng lực cảnh báo sớm và quản lý rủi ro cho khu vực tài chính Việt Nam”; thực hiện tốt công tác quản trị nội bộ (kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự; xây dựng Chính phủ điện tử; cải thiện điều kiện làm việc cho cán bộ…); chú trong triển khai các công tác Đảng, đoàn thể.
II. Về chương trình, kế hoạch công tác năm 2022
Trong năm 2022, bám sát chương trình công tác của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban tiếp tục quán triệt và tích cực triển khai các nhiệm vụ công tác theo kế hoạch đã được xây dựng, trong đó tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong phân tích, đánh giá, dự báo tác động của thị trường tài chính đến kinh tế vĩ mô và tác động của chính sách kinh tế vĩ mô đến thị trường tài chính.
2. Đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng giám sát, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, cảnh báo rủi ro đối với hệ thống các tổ chức tài chính, nhất là các tổ chức tín dụng; Bám sát diễn biến thị trường trái phiếu doanh nghiệp… để tham mưu kịp thời cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đề xuất khuyến nghị chính sách cụ thể; Đẩy mạnh phối hợp, trao đổi thông tin về kinh tế – tài chính để đảm bảo nhất quán về số liệu và thống nhất về quan điểm phân tích, nhận định; Tích cực, chủ động tham gia đóng góp ý kiến đối với các đề án, báo cáo của các bộ, ngành liên quan đến định hướng, chiến lược và cơ chế, chính sách phát triển thị trường tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm).
3. Hoàn thiện và cải tiến hệ thống cơ sở dữ liệu giám sát tài chính quốc gia (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm); tăng cường ứng dụng công nghệ, đảm bảo an toàn thông tin; tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng công tác thu thập, phân tích, xử lý thông tin nhằm nâng cao chất lượng giám sát từng định chế tài chính, giám sát chung/tổng thể hệ thống tài chính, giám sát hợp nhất hoạt động của các định chế tài chính hoạt động theo mô hình “tập đoàn tài chính” một cách độc lập, khách quan.
4. Tăng cường công tác hợp tác quốc tế để tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế, cơ quan giám sát nước ngoài, tăng cường hoạt động trao đổi chuyên môn; Triển khai hiệu quả Dự án “Nâng cao năng lực cảnh báo sớm và quản lý rủi ro cho khu vực tài chính Việt Nam” trong năm 2021 và các năm tiếp theo.
5. Tiếp tục kiện toàn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết TW 6 khóa XII, mô hình tổ chức bộ máy theo hướng chế độ chuyên viên tại các ban chuyên môn; nâng cao chất lượng tuyển dụng cán bộ và tăng cường công tác luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; Tăng cường ứng dụng CNTT và áp dụng các quy trình ISO trong quản trị nội bộ, quản lý và tổ chức các hoạt động tại Ủy ban; xây dựng văn phòng điện tử, ứng dụng mạnh công nghệ trong công tác điều hành công việc, vận hành văn bản, quản lý cán bộ, quản lý tài sản, phương tiện, văn thư lưu trữ và số hóa tài liệu lưu trữ tại Ủy ban; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn và bảo vệ bí mật nhà nước tại cơ quan đúng quy định,…
ỦY BAN GIÁM SÁT TÀI CHÍNH QUỐC GIA