"Tăng trưởng GDP vừa qua đã tính sót rất lớn. Nhà lầu, xe hơi, môi giới trung gian... hoạt động kinh tế phi chính thức diễn ra rất rầm rộ nhưng chưa được tính vào quy mô kinh tế. Việc tính toán lại khu vực kinh tế phi chính thức và cập nhật vào GDP không phải bệnh thành tích, mà là xem xét quy mô nền kinh tế để có bước đi phát triển, đánh giá đúng vị thế của Việt Nam".
Phát biểu trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 19/2.
GDP Việt Nam kém Hàn Quốc gần 30 năm
Tại buổi làm việc, bên cạnh hoan nghênh những động thái tích cực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian qua như bãi bỏ nhiều quy định, giấy phép gây cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, đề xuất gỡ bỏ những quy định ràng buộc dễ dẫn tới xin – cho, lợi ích nhóm như bãi bỏ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án BOT, BT, bãi bỏ quy hoạch sân golf…
Đáng chú ý, Thủ tướng đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra hàng loạt tồn tại, yếu kém cần khắc phục như công tác đánh giá, quản lý, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm dù đã có tiến bộ nhiều so với những năm trước. Công tác quản lý, phân bổ còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều bất cập, xuất phát từ việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa được tổ chức tốt…
Thủ tướng nêu ra các thách thức, bài toán lớn đối với Việt Nam và đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu tâm khi làm công tác tham mưu, thống kê, hình thành chính sách kinh tế.
Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, mức độ cạnh tranh giữa các quốc gia, dân tộc, ngày càng gay gắt, chính sách tài chính thắt chặt ở một số nước…, ngành kế hoạch và đầu tư cần có tham mưu chiến lược sâu sắc, kịp thời, giúp khai thông và phát huy tốt nhất tiềm năng, tiềm lực còn rất lớn của đất nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm đề xuất các giải pháp trước các nguy cơ tụt hậu, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, được đánh giá là còn rất lớn.
Lấy minh họa, Thủ tướng dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới, GDP đầu người của Việt Nam năm 2017 (tính theo sức mua tương đương hiện tại) đạt 6.776 USD. Nếu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người đạt 6%/năm (tương đương với mức tăng trưởng GDP khoảng 7%) thì đến năm 2030 mới đạt khoảng trên 13.600 USD, bằng mức Thái Lan năm 2011. Đến năm 2045, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 35.000 USD, bằng mức Hàn Quốc năm 2015.
Một số vấn đề văn hóa, xã hội nổi lên có thể kìm hãm sự phát triển. Cùng với đó, chênh lệch giàu nghèo có xu hướng gia tăng. Vấn đề nhân khẩu học, già hóa dân số đang tạo nên những áp lực lớn đối với hệ thống an sinh xã hội và tương lai phát triển bền vững của Việt Nam. Những thách thức về biến đổi khí hậu, môi trường, tài nguyên đang ngày càng trở nên cấp bách, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước.
Thủ tướng cũng lưu ý nguy cơ “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến”, thiếu bản lĩnh, thiếu ý chí, tình trạng “dễ thì làm, khó thì bỏ” hay tư tưởng cuối nhiệm kỳ ở một bộ phận cán bộ, nguy cơ tham nhũng, tiêu cực.
Không chấp nhận chính sách không hiệu quả
Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng đặt ra 5 bài toán lớn đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thứ nhất là với tư cách là bộ tổng tham mưu, phải hiến kế làm sao để có thể tạo bứt phá trong thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội không những năm nay mà cả các năm tiếp theo ở các khâu, các ngành. Thực hiện phương châm hành động “12 chữ” của Chính phủ năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải dẫn đầu về “bứt phá”.
Thứ hai là làm sao để thể chế thực sự là mũi nhọn đột phá cho các đột phá khác của Việt Nam trong các thập niên tới, trong đó có xây dựng nền kinh tế đổi mới sáng tạo, động viên tốt nhất tinh thần khởi nghiệp, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp. Bộ phải đề xuất cơ chế chính sách để đi vào hướng này.
Bài toán thứ ba là làm sao để Việt Nam tránh các bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công giá trị thấp, bẫy bãi rác thải công nghệ, làm sao để không một người dân nào bị bỏ lại phía sau. Hành trình chiến lược đưa Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu độc lập, tự cường và thịnh vượng là gì.
Thứ tư là làm sao đưa Việt Nam lọt vào top 4 ASEAN và tiệm cận tiêu chuẩn OECD về môi trường kinh doanh. Chúng ta có các Nghị quyết 02, 35, ngành kế hoạch và đầu tư cần tham vấn làm sao để thực thi đạt kết quả cao nhất, sớm nhất.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ để xóa được tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. “Trong phường anh có người chết mà anh mang giấy chứng tử tới tận nhà để chia buồn hay nhà có người mới sinh thì anh mang hoa đến tặng. Anh có làm được việc đó không. Mình phải có việc làm cụ thể vì dân”, Thủ tướng nêu ví dụ.
Bài toán lớn thứ năm là làm sao để kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của sự phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ gia đình, kinh tế hợp tác.
Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chính sách giải pháp cụ thể, không chấp nhận chính sách không khả thi, không hiệu quả.
Nêu ra các định hướng, tầm nhìn vào năm 2030 là Việt Nam hướng tới một xã hội khá thịnh vượng, thuộc nhóm có thu nhập trung bình cao và năm 2045, dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước, là trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng, Việt Nam không hề thua kém bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới, Thủ tướng đặt vấn đề, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải làm gì.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với các bộ ngành khác cần thay đổi đủ lớn, đủ nhanh, đủ mạnh về thể chế, tháo bỏ được các nút thắt thể chế, tạo ra bước tiến nhảy vọt của quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại.
Thủ tướng đề nghị nghiên cứu câu ngạn ngữ: “Đừng ngại thay đổi. Bạn có thể mất một cái gì đó tốt nhưng bạn có thể đạt được một cái gì đó còn tốt hơn”, “rõ ràng thời gian qua chúng ta đã thấy được hiệu quả của thay đổi thể chế và điều này khích lệ chúng ta quyết tâm, đồng lòng tiếp bước trên con đường này”.
Cần có một cách tiếp cận toàn diện, gồm 3 trụ cột để hiện đại hóa thể chế kinh tế, bao gồm các mặt chính trị, xã hội và môi trường. Không được coi nhẹ tầm quan trọng của trụ cột nào trong phát triển kinh tế vì sẽ không mang lại cho chúng ta sự bền vững, thịnh vượng và hạnh phúc. Mọi tổ chức, cá nhân có toàn quyền tự do kinh doanh, tự do sáng tạo; hệ thống thể chế phải đảm bảo được đầy đủ quyền tự do kinh doanh, tự do sáng tạo và hiện thực hóa được những ý tưởng, đề xuất đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng đề nghị phải áp dụng đầy đủ và nhất quán các nguyên tắc trên đây trong soạn thảo, tham vấn, thẩm định và thông qua các văn bản, chính sách, đề án.