English
07/122022
Thủ tướng chỉ đạo các nhiệm vụ điều hành kinh tế vĩ mô, tăng cường niềm tin của người dân, doanh nghiệp

Sáng 6/12/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Cùng tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Thủ tướng chỉ đạo các nhiệm vụ điều hành kinh tế vĩ mô, tăng cường niềm tin của người dân, doanh nghiệp - Ảnh 1.

Các ý kiến tại cuộc họp nhất trí đánh giá 11 tháng qua, trong điều kiện rất nhiều khó khăn, thách thức, chúng ta đạt được một số kết quả nhất định rất đáng mừng – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tình hình đang ổn định trở lại

Các ý kiến tại cuộc họp nhất trí đánh giá 11 tháng qua, trong điều kiện rất nhiều khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự giám sát, đồng hành của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, chúng ta đạt được một số kết quả nhất định rất đáng mừng.

Tình hình thời gian qua có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là cuối tháng 10, đầu tháng 11 khi cạnh tranh chiến lược vẫn diễn ra gay gắt, áp lực lạm phát trên toàn cầu, chính sách chống lạm phát của các nước tác động tới toàn cầu, trong đó có Việt Nam, trong khi quy mô nền kinh tế Việt Nam còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu có hạn, một biến động nhỏ bên ngoài cũng tác động lớn tới bên trong. Giá nguyên vật liệu xăng dầu tiếp tục không ổn định, biến động. Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam bị thu hẹp. Tăng trưởng kinh tế của các nước chậm lại, nhiều nước có tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp.

Trong nước, chúng ta phải khắc phục hậu quả của dịch bệnh COVID-19 sau hơn 2 năm gồng mình chống dịch, khả năng chống chịu của nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, bào mòn, đồng thời phải đối phó với các cú sốc lớn từ bên ngoài nhằm hạn chế tác động tiêu cực tới nền kinh tế.

Chúng ta cũng tiến hành rà soát lại và có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của các loại thị trường như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và hoạt động của các ngân hàng; có biện pháp cương quyết xử lý sai phạm để đưa các thị trường hoạt động công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, các chủ thể liên quan. Các biện pháp chấn chỉnh, việc xử lý các sai phạm này có tác động tới tâm lý thị trường, hoạt động của các thị trường ở mức độ nhất định nhưng là việc phải làm.

Từ tháng 10 tới nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp tháng 10, tháng 11; Thường trực Chính phủ đã ban hành 3 thông báo kết luận; Thủ tướng Chính phủ có 4 công thư gửi lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành; lãnh đạo Chính phủ đã có 1 quyết định, 1 chỉ thị, 5 công điện, 12 thông báo kết luận, 33 văn bản chỉ đạo, điều hành…; các bộ, ngành cũng vào cuộc để tập trung xử lý, ổn định tình hình. Điều này cho thấy việc chỉ đạo, điều hành đã bám sát, nắm bắt tình hình, có phản ứng chính sách, đưa ra các giải pháp phù hợp.

Chính phủ đã thành lập 3 tổ công tác gồm: Tổ công tác liên quan đến thanh khoản tín dụng do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng; Tổ công tác liên quan đến xử lý khó khăn với thị trường bất động sản do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng; Tổ công tác để xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng.

Thủ tướng Chính phủ đã có 3 cuộc làm việc với các cơ quan đại diện thương mại, đại diện ngoại giao để mở rộng thị trường xuất khẩu và tiến hành tổng kết ngoại giao vaccine nhằm tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao kinh tế theo Chỉ thị của Ban Bí thư.

Nhờ đó, tình hình đang ổn định trở lại, nhất là tâm lý thị trường, niềm tin thị trường đang được tăng cường, củng cố. Các vấn đề đột xuất, phức tạp diễn ra được xử lý bình tĩnh, chắc chắn, mang lại hiệu quả, nhất là xử lý một số ngân hàng yếu kém. Thị trường chứng khoán có tín hiệu tích cực trở lại. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tuy còn rất nhiều khó khăn nhưng đã định hình được các công việc để cùng làm với doanh nghiệp và nhà đầu tư với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Các cơ quan cũng làm việc với các doanh nghiệp bất động sản để lắng nghe các kiến nghị. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công; triển khai các chính sách tài khóa. Tích cực giải quyết có hiệu quả tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, thiếu hụt xăng dầu cục bộ.

Các biện pháp nói trên đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng cả 3 khu vực, các cân đối lớn được bảo đảm.

Thủ tướng chỉ đạo các nhiệm vụ điều hành kinh tế vĩ mô, tăng cường niềm tin của người dân, doanh nghiệp - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ dự báo tình hình sắp tới có thời cơ, thuận lợi và khó khăn thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi; từ đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp tình hình – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả

Sau khi lắng nghe các ý kiến, phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ dự báo tình hình sắp tới có thời cơ, thuận lợi và khó khăn thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi; từ đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp tình hình.

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm đã quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn nữa, đã cố gắng rồi phải cố gắng hơn nữa, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn nữa, đã quyết liệt rồi phải quyết liệt hơn nữa, đã làm việc có trọng tâm trọng điểm rồi phải có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa. Không thỏa mãn với những kết quả đạt được, không chạy theo chủ nghĩa thành tích; không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, bám sát, nắm chắc tình hình trong nước và thế giới, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu phải giữ bình tĩnh, sáng suốt, bản lĩnh, kiên định, kiên trì các vấn đề mang tính nguyên tắc và các nhiệm vụ đã được thực tiễn chứng minh là đúng, trúng; lắng nghe các ý kiến nhiều chiều, chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, thực chất, hiệu quả. Dứt khoát không điều hành giật cục, không chuyển đổi trạng thái đột ngột, tránh tình trạng “lúc này quá chặt chẽ, lúc khác quá lỏng lẻo, lúc này quá đơn giản, lúc khác quá cầu kỳ, lúc này quá cầu toàn, lúc khác quá nóng nội”; bảo đảm cân bằng giữa an toàn và phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh tiếp tục kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện các chính sách được đề ra và tổ chức thực hiện hiệu quả vừa qua, mang lại hiệu ứng tích cực với nền kinh tế, nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân. Tiếp tục nắm vững tình hình, diễn biến các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, dự báo các khó khăn, rủi ro, có các giải pháp hiệu quả, dứt khoát không để ách tắc vốn cho nền kinh tế.

Tập trung thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng và đổi mới công nghệ, tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Các tổ công tác của Chính phủ phát huy các kết quả đạt được, tiếp tục hoạt động tích cực, hiệu quả hơn nữa, trực tiếp tháo gỡ các khó khăn thuộc thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo triển khai xây dựng một nghị định sửa đổi nhiều nghị định liên quan tới thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản…

Thủ tướng chỉ đạo các nhiệm vụ điều hành kinh tế vĩ mô, tăng cường niềm tin của người dân, doanh nghiệp - Ảnh 3.

Tiếp tục nắm vững tình hình, diễn biến các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, dự báo các khó khăn, rủi ro, có các giải pháp hiệu quả, dứt khoát không để ách tắc vốn cho nền kinh tế – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tăng hạn mức tín dụng hợp lý, hiệu quả

Về chính sách tiền tệ, Thủ tướng yêu cầu NHNN xây dựng các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ hợp lý theo tinh thần chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả. Bảo đảm thanh khoản, ổn định hệ thống ngân hàng một cách an toàn; tìm điểm cân bằng giữa tỉ giá và lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.

Tăng hạn mức tín dụng hợp lý, hiệu quả cho các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả, bền vững, đúng pháp luật, đúng mục tiêu, tập trung tín dụng cho 3 đột phá chiến lược, 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Tăng cường giám sát, kiểm tra để tín dụng đi đúng, đi trúng mục tiêu và chống tiêu cực, tham nhũng, trục lợi chính sách. Kiểm soát các hoạt động tín dụng nhân dân. Bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, các chủ thể có liên quan trong bất cứ hoàn cảnh nào.

NHNN đề xuất sửa đổi Nghị định 31 năm 2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để tiếp tục triển khai, đồng thời rà soát, đánh giá lại chính sách này để có phương án phù hợp. Có chính sách hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội; rà soát các dự án bất động sản để hỗ trợ các dự án đủ điều kiện. Các tổ chức tín dụng phát huy tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Thủ tướng phân tích nền kinh tế phát triển, người dân có tiền gửi thì ngân hàng mới phát triển được nên trong lúc khó khăn, các ngân hàng phải chia sẻ với người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Về các giải pháp chính sách tài khóa, phải đẩy mạnh hơn nữa giải ngân đầu tư công, các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát lại hằng tuần, hằng tháng tiến độ giải ngân, điều chỉnh kịp thời theo hướng dẫn của bộ, ngành và chỉ đạo của Chính phủ. Đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi các khoản không cần thiết, tổ chức tổng kết năm ngắn gọn, tiết kiệm, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức, lãng phí…; loại bỏ tư tưởng “năm nay thu ít để sang năm không bị giao nhiều”. Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giảm, giãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp.

Tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước theo đúng tinh thần kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo.

Có chính sách giá cả hợp lý đối với các các lĩnh vực như hàng không, thuốc, trang thiết bị y tế, xăng dầu…, tôn trọng quy luật cạnh tranh, cung cầu nhưng khi có vấn đề đột xuất thì phải có công cụ quản lý của Nhà nước để ổn định lại thị trường, đưa thị trường trở lại vận hành bình thường. Giữ ổn định giá cả phù hợp với thu nhập người dân và chi phí của doanh nghiệp, giảm thủ tục hành chính, khâu trung gian, chi phí đầu vào không cần thiết.

Thủ tướng chỉ đạo các nhiệm vụ điều hành kinh tế vĩ mô, tăng cường niềm tin của người dân, doanh nghiệp - Ảnh 4.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương dứt khoát không để lặp lại tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ. Bộ Y tế khắc phục bằng được tình trạng thiếu trang thiết bị, thuốc trong tháng 12/2022 và không để lặp lại – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 Dứt khoát không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đánh giá kỹ lại thị trường lao động, dứt khoát không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, có biện pháp khắc phục hiệu quả, phù hợp, cơ cấu lại thị trường lao động phù hợp giữa số lao động mất việc và nhu cầu tuyển dụng lao động. Chăm lo an sinh xã hội, quan tâm tới các đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế; xây dựng, triển khai ngay chính sách hỗ trợ người thất nghiệp, nhất là vào dịp Tết.

Bộ Xây dựng, Tổ công tác về thị trường bất động sản tập hợp, đề xuất giải quyết các vướng mắc về thủ tục đầu tư; phối hợp với các địa phương, hướng dẫn các doanh nghiệp cơ cấu lại các dự án; đề xuất sửa đổi các nghị định liên quan Luật Đất đai, Nghị định 49, Nghị định 100 về nhà ở xã hội….; thúc đẩy chương trình 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.

Bộ Công Thương dứt khoát không để lặp lại tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ. Bộ Y tế khắc phục bằng được tình trạng thiếu trang thiết bị, thuốc trong tháng 12/2022 và không để lặp lại; đẩy mạnh tiêm vaccine, không để dịch chồng dịch; hoàn thiện Dự án sửa đổi Luật Khám chữa bệnh để trình Quốc hội tại kỳ họp tới; sửa đổi 7 thông tư liên quan mua sắm thuốc, vật tư y tế…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đồng bộ các giải pháp củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư; thúc đẩy đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển.

Các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí để đẩy mạnh truyền thông chính sách, củng cố niềm tin thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân.

 

Các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với nhau để thực hiện các chính sách, phát huy tối đa vai trò của các Bộ trưởng.

Thủ tướng nhấn mạnh tất cả mọi chính sách được xây dựng và thi hành để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Nguồn: chinhphu.vn