Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chưa bao giờ chúng ta xuất siêu trên 7 tỷ USD. Không chỉ vậy, chất lượng, mô hình tăng trưởng có chuyển biến tích cực.
Chiều nay, 27/12, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng cuối cùng của năm 2018.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng thông báo tăng trưởng GDP năm 2018 của đất nước đạt 7,08%. Bên cạnh đó, thu ngân sách Nhà nước, nhất là ngân sách Trung ương đạt kết quả đáng mừng.
“Mấy năm trước thì rất vất vả, đến giờ phút chót vẫn phải đốc thu quyết liệt”, Thủ tướng nói. Năm 2018, xuất siêu trên 7 tỷ USD. Không chỉ vậy, chất lượng, mô hình tăng trưởng có chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP cao gấp đôi so với lạm phát. Tăng trưởng kinh tế đạt được ở mức cao khi mà tăng trưởng tín dụng ở mức thấp và sản lượng dầu thô khai thác giảm. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới năm nay cũng cao hơn so với các năm.
Bên cạnh ưu điểm đáng được động viên, Thủ tướng nêu lại một số tồn tại, bất cập trong báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2018 được đưa ra tại Hội nghị Trung ương 9 Khóa XII bế mạc ngày 26/12 cũng như nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với ý là “phải tự “sửa mình”, tự thấy mình trong quá trình phát triển đất nước với trách nhiệm chúng ta đang đảm nhận để làm tốt hơn”. Cụ thể, chỉ đạo thực hiện 3 đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại và nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Giải ngân đầu tư công còn chậm, nhiều vướng mắc song chưa được tháo gỡ khắc phục.
Kinh tế tư nhân tuy có bước phát triển đáng mừng, đã xuất hiện một số doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh song chưa liên kết, tham gia sâu vào mạng lưới, chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn nên chưa thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế… Tình trạng ô nhiễm môi trường, thiên tai, bão lũ, sạt lở đất bờ sông bờ biển nhiều nơi diễn ra nghiêm trọng nhưng chưa có giải pháp toàn diện, căn cơ. Xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc nhất là một số lĩnh vực liên quan đến người dân.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thực hiện Nghị quyết 10 của Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân, nguồn lực cho khu vực này dần được khơi thông. Dư nợ tín dụng của khu vực kinh tế tư nhân liên tục tăng qua các năm và chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Đến tháng 9/2018, là 87,35%. Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển lĩnh vực này, trong đó có xử lý kiến nghị của doanh nghiệp.
Nguồn: toquoc.vn