English
29/112018
Thủ tướng: Trong năm 2019 tăng trưởng kinh tế là trọng tâm

Thủ tướng nhấn mạnh không được chủ quan, tăng trưởng nhanh là tốt, nhưng quan trọng là phải giữ được sự ổn định và tâm lý kỳ vọng tích cực...

“Định hướng điều hành trong năm 2019 của Chính phủ thì tăng trưởng kinh tế được coi là trọng tâm. Không được chủ quan, tăng trưởng nhanh là tốt, nhưng quan trọng là phải giữ được sự ổn định và tâm lý kỳ vọng tích cực. Số lượng cần đi liền với chất lượng tăng trưởng, cần tính toán cả khu vực kinh tế không chính thức”.

Chỉ đạo trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra khi ông chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ ngày 27/11 để thảo luận về dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019.

Tại cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ các chỉ tiêu Chính phủ giao trong Nghị quyết phải mang tính phấn đấu cao hơn với tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, quyết liệt, “hành động và hành động hơn nữa để phục vụ nhân dân”, thể hiện khát vọng dân tộc, phải bàn tiến chứ không bàn lùi.

Sau khi hoàn thành, dự thảo cần tiếp tục lấy ý kiến các bộ, ngành, nhân dân để kịp thời xử lý, giải quyết tốt hơn, giải quyết cả các bức xúc, điểm nghẽn trong xã hội.

Đối với dự thảo Nghị quyết 19, Thủ tướng quán triệt, cần sớm ban hành ngay từ đầu năm, cùng thời điểm với Nghị quyết 01, với quan điểm tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cần tính toán kỹ các mục tiêu, chỉ tiêu với quyết tâm phấn đấu cao nhất, rõ ràng, minh bạch hơn và dễ giám sát, đánh giá. Thủ tướng nhất trí, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải trực tiếp chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu cụ thể và cho rằng, cần có đánh giá nghiêm túc, khách quan việc thực hiện với chế tài xử lý cương quyết, nghiêm minh như công khai các bộ, ngành, địa phương không thực hiện tốt, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh.

Về kinh tế vĩ mô, Thủ tướng đề nghị cần phối hợp tốt các chính sách để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đơn cử như phối hợp chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa.

Về chính sách tài khóa và đầu tư công, phải tiếp tục tái cơ cấu ngân sách để bảo đảm đầu tư, tiết kiệm chi tiêu thường xuyên một cách thực sự. Bộ Tài chính cần có giải pháp kiểm soát chặt chẽ hơn tình trạng lãng phí. Phải quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch, tiến độ dự án đầu tư; thúc đẩy một số công trình quan trọng.

Xử lý dứt điểm các tồn tại, bất cập về BOT, BT theo Nghị quyết của Quốc hội. Theo Thủ tướng, có vấn đề xã hội rất quan tâm là đề án cải cách thuế để trình Quốc hội xem xét. Bộ Tài chính cần đặc biệt quan tâm vấn đề này để người dân hiểu, ủng hộ, tránh hiểu sai, hiểu nhầm.

Thủ tướng lưu ý việc kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế.

Về chính sách lĩnh vực công nghệ, cần thúc đẩy Chính phủ điện tử, đẩy mạnh thanh toán điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, phát triển doanh nghiệp công nghệ, nhất là doanh nghiệp công nghệ cao. “Đây là mục tiêu rất lớn đối với tất cả các bộ, ngành, địa phương”. Bộ Thông tin và Truyền thông phải chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ ngành liên quan triển khai cụ thể việc đưa công nghệ mới, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Thủ tướng cho rằng, Nghị quyết cần đề cập nhiều hơn đến lĩnh vực xã hội, một lĩnh vực có nhiều vấn đề người dân quan tâm.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo Nghị quyết 01 gồm 3 phần. Phần 1 về bối cảnh tình hình và phương châm hành động, trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm 2019; phần 2 là những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của năm 2019 gồm 9 nhóm, cụ thể và phần 3 là các giải pháp tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Các nhiệm vụ giải pháp, cụ thể của các bộ, ngành, địa phương, thống nhất xây dựng như năm 2018, nhưng chắt lọc những nhiệm vụ thật sự quan trọng, trọng tâm, có tính lan tỏa để đưa vào Nghị quyết, gắn với việc quy định trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, địa phương, trách nhiệm của người đứng đầu và trao quyền chủ động cho các bộ, ngành, địa phương lựa chọn đưa vào chương trình hành động, văn bản điều hành của bộ, ngành, địa phương mình để thực hiện.

Nguồn: Vneconomy.vn