Hơn 20 năm bình thường hóa quan hệ, thương mại Việt- Mỹ tăng trường mạnh, nhất là từ khi nước ta trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Tăng trưởng cao 2 con số
Nếu năm 1995 (năm Việt Nam- Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ), kim ngạch XNK giữa hai nước mới dừng ở mức 450 triệu USD, thì đến năm 2018 thương mại Việt- Mỹ đã được nâng lên hơn 60 tỷ USD, gấp 133 lần so với 23 năm trước.
Đặc biệt, kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO (năm 2007), thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước trên thế giới ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là với Hoa Kỳ.
Diễn biến trị giá và tốc độ tăng/giảm xuất khẩu, nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ giai đoạn 2007-2018
Trong cả giai đoạn 2007-2018, có tới 11 năm đạt tốc độ tăng trưởng dương, trừ năm 2009 do khủng khoảng kinh tế toàn cầu nên thương mại song phương Việt Nam Hoa Kỳ giảm nhẹ 1%.Số liệu thống kê của cơ quan Hải quan cho thấy, tăng trưởng kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong vòng 12 năm qua (2007-2018) đạt mức trung bình tới 17,4%/ năm. Trong đó, xuất khẩu bình quân cả giai đoạn tăng 16,2%/năm và nhập khẩu tăng 23,8%/năm.
Khi Việt Nam gia nhập WTO, trị giá xuất nhập khẩu song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mới đạt con số gần 11,8 tỷ USD nhưng đến năm 2018 con số này đã lên đến hơn 60 tỷ USD, gấp 5 lần thời điểm 2007.
Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 47,52 tỷ USD, gấp 5 lần và trong khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Hoa Kỳ đạt tới 12,75 tỷ USD, gấp tới 8 lần.
Như vậy, rõ ràng nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng đã tận dụng được những lợi ích từ quan hệ song phương tốt đẹp giữa hai nước để tăng cường hoạt động xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Việt Nam.
Với tốc độ tăng trưởng ở mức cao, hiện nay, Hoa Kỳ vẫn duy trì vị thế là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20% trong tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Đồng thời, nền kinh tế lớn nhất thế giới là thị trường đứng thứ 5 về cung cấp hàng hóa cho Việt Nam, chiếm tỷ trọng 5% trong tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu của nước ta.
Tính chung về quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu, Hoa Kỳ đứng vị trí thứ 3 trong hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ ngoại thương với Việt Nam (sau Trung Quốc và Hàn Quốc).
Không chỉ năm 2018 mà trong nhiều năm qua, Việt Nam liên tục duy trì được thặng dư thương mại với Hoa Kỳ.Đáng lưu ý, trong 3 đối tác thương mại lớn nhất, Hoa Kỳ là thành viên duy nhất Việt Nam đạt được thặng dư thương mại với con số xuất siêu gần 35 tỷ USD trong năm 2018, trong khi nước ta nhập siêu lớn từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ giai đoạn 2007-2018.
Cùng với quy mô kim ngạch tăng cao, cơ cấu các nhóm hàng xuất nhập khẩu giữa 2 nước cũng có những thay đổi nhất định.Đơn cử như năm 2007, Việt Nam xuất siêu 8,39 tỷ USD; sang năm 2008 con số này là 9,23 tỷ USD; trong năm 2009, do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế tại Hoa Kỳ và trên phạm vi toàn cầu, xuất siêu của Việt Nam giảm nhẹ so với năm trước chỉ đạt 8,35 tỷ USD, nhưng sang năm 2010, thặng dư tăng trở lại đạt 10,47 tỷ USD… và tiếp tục tăng cao qua từng năm và đạt thặng dư lớn vào năm ngoái như đề cập ở trên.
Cụ thể, trước đây, các nhóm hàng nhập khẩu lớn từ Hoa Kỳ là máy móc thiết bị dụng cụ, phụ tùng; ô tô nguyên chiếc các loại và bông các loại.
Nhưng từ năm 2010 đến nay, ô tô nguyên chiếc các loại đã nhường chỗ cho nhóm hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện để vào Top 3 nhóm hàng dẫn đầu với kim ngạch hàng tỷ USD/nhóm hàng/năm.
Về xuất khẩu của Việt Nam, các nhóm hàng chủ lực là hàng dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng; hàng thủy sản… Từ năm 2011, điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện góp mặt trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ.
Trị giá xuất khẩu 10 nhóm hàng chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2018
Tiếp tục duy trì được sự tăng trưởng trong nhiều năm qua, thống kê cập nhật trong tháng 1/2019 của Tổng cục Hải quan cho thấy quan hệ thương mại Việt-Mỹ tiếp tục khởi sắc.
Chỉ trong tháng 1, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt hơn 5 tỷ USD, kết quả này tăng mạnh tới 42,1%, tương đương con số tuyệt đối 1,527 tỷ USD so với cùng kỳ 2018. Với trị giá nêu trên, tháng 1/2019, Hoa Kỳ chiếm 23,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Hoa Kỳ gấp tới 4,7 lần tốc độ bình quân chung cả nước trong cùng thời điểm. Đây là điểm ít xảy ra những năm gần đây, thậm chí không ít giai đoạn tăng trưởng xuất khẩu sang Hoa Kỳ còn thấp hơn mức bình quân của cả nước.
Trị giá nhập khẩu các nhóm hàng chủ lực của Việt Nam từ Hoa Kỳ năm 2018.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 1,591 tỷ USD tăng 34,1%.Ngay trong tháng đầu năm, Việt Nam có nhóm hàng xuất khẩu tỷ USD đầu tiên sang Hoa Kỳ. Đó là nhóm hàng dệt may, số lượng này và nhóm hàng không thay đổi so với cùng kỳ năm 2018 nhưng về trị giá tăng thêm của dệt may và nhiều nhóm hàng chủ lực tại thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là rất đáng kể.
Ngoài dệt may, chỉ trong tháng 1 còn có tới 8 nhóm hàng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên.
Các nhóm hàng chủ lực khác có thể kể đến như giày dép 620 triệu USD, tăng hơn 100 triệu USD; gỗ và sản phẩm gần 475 triệu USD, tăng 156 triệu USD…
Đặc biệt, trong tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu điện thoại sang Hoa Kỳ đạt gần 473 triệu USD, tăng tới 121%, tương đương con số tăng thêm 259 triệu USD. Kim ngạch tăng đột biến ở thị trường Hoa Kỳ trái ngược hẳn với sự sụt giảm kim ngạch nói chung của nhóm hàng điện thoại trong tháng 1 vừa qua (tháng 1 kim ngạch xuất khẩu điện thoại giảm 16,3%).
Cũng trong tháng 1 cả nước chi 1,076 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Hoa Kỳ. Như vậy, tháng 1 nước ta đạt con số xuất siêu hơn 4 tỷ USD đối với bạn hàng quan trọng này.
Nguồn: Hải quan