Bởi vậy, Việt Nam được các chuyên gia đánh giá như một mô hình kinh tế mà Triều Tiên có thể học hỏi...
Từng là một quốc gia vào hàng nghèo nhất thế giới, Việt Nam trong 3 thập kỷ trở lại đây đã nổi lên thành một cơ sở sản xuất lớn, nơi hàng loạt công ty đa quốc gia lớn như Intel, Samsung, Adidas và Nike… đặt nhà máy.
“Việt Nam đã trở thành một quốc gia xuất khẩu lớn các mặt hàng dệt may, hàng điện tử và giày dép, cùng nhiều sản phẩm khác. Trên thế giới, cứ 10 chiếc điện thoại thông minh (smartphone) được sản xuất thì có 1 chiếc sản xuất ở Việt Nam”, hãng tin CNBC dẫn một báo cáo của ngân hàng Australia ANZ nhấn mạnh.
Với sự phát triển mạnh mẽ của nền sản xuất, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã tăng từ 2,8% vào năm 1986, trước khi công cuộc đổi mới bắt đầu, lên mức 7,1% vào năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam năm 2018 là mạnh nhất trong hơn 1 thập niên, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Khả năng của Việt Nam trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu giảm tốc đã thu hút sự chú ý. Ngoài ra, Việt Nam duy trì được sự ổn định chính trị trong quá trình cải tổ nền kinh tế. Bởi vậy, Việt Nam được các chuyên gia đánh giá như một mô hình kinh tế mà Triều Tiên có thể học hỏi.
Những đánh giá này được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đến Hà Nội để dự thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai.
“Việt Nam mang đến cho Triều Tiên một hướng đi thực tế nhất về sự chuyển mình thành công từ chỗ là một quốc gia có xung đột với Mỹ, trở thành một đất nước ổn định về chính trị, phát triển nhanh về kinh tế, có quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng”, một báo cáo của Fitch Solutions được CNBC trích dẫn.
Các chuyên gia cho rằng sự phát triển ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam có được là nhờ chính sách đổi mới, bao gồm đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân và mở cửa cho vốn đầu tư nước ngoài.
Những chính sách đó “đã thay đổi nhanh chóng bộ mặt của Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển cả về kinh tế và xã hội”, chuyên gia kinh tế Manop Udomkerdmongkol thuộc ngân hàng United Overseas Bank của Singapore viết trong một báo cáo mới đây.
Gần đây, Việt Nam còn trở thành điểm đến được nhiều công ty lựa chọn khi cân nhắc chuyển bớt hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Xu hướng này có thể giúp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Trong một báo cáo vào năm 2018, Ngân hàng Thế giới (WB) nói rằng Việt Nam đã thu hút được hơn 10.000 công ty nước ngoài, chủ yếu trong các ngành hướng ra xuất khẩu và sản xuất sử dụng nhiều nhân công. Việt Nam hiện cũng là một trong số những nền kinh tế châu Á có số thỏa thuận tự do mậu dịch (FTA) nhiều nhất.
Báo cáo của WB nói rằng các chính sách cải cách kinh tế của Chính phủ Việt Nam đã tận dụng được những lợi thế của đất nước, bao gồm lực lượng lao động trẻ, môi trường chính trị ổn định, và vị trí gần với các chuỗi cung ứng lớn của thế giới.
“Bằng các chính sách tốt, Việt Nam đã phát huy được các yếu tố nền tảng mạnh của mình”, các chuyên gia kinh tế của WB nhận xét.
“Trước tiên, Việt Nam đã nắm bắt tự do hóa thương mại. Tiếp đó, Việt Nam có những cải cách trong nước như nới lỏng các quy chí và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Cuối cùng, Việt Nam đã đầu tư nhiều vào vốn con người và hạ tầng, chủ yếu thông qua đầu tư công”, báo cáo viết.
Nguồn: Vneconomy.vn