Nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương trước những cú sốc và có nguy cơ căng thẳng trên thị trường tài chính, đặc biệt là khi nợ xấu trước đây chưa xử lý hết và bộ đệm vốn còn mỏng ở một số ngân hàng. Tỷ lệ tín dụng trên GDP hiện nay của Việt Nam đã lên tới 135%.
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế các quốc gia khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương.
Theo WB, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục thể hiện nền tảng tích cực, được hỗ trợ bởi nhu cầu nội địa mạnh, và ngành sản xuất theo hướng xuất khẩu. Hai năm 2017, 2018, tăng trưởng GDP của Việt Nam lần lượt đạt 7,1% và 6,8%. WB dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chững lại trong năm 2019 này, còn 6,6%.
Chính sách tiền tệ sẽ phải tiếp tục cân bằng mục tiêu kép là ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng.
Mặc dù định hướng chính sách tiền tệ vẫn thuận lợi, tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu thắt chặt tín dụng vào năm 2018 bằng cách đặt giới hạn tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại và kiểm soát cho vay đối với các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán và thị trường tiêu dùng.
Thanh khoản cũng có dấu hiệu eo hẹp rõ rệt khi tăng trưởng tiền gửi chậm hơn khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ngắn hạn tăng lên.
Theo đó, tăng trưởng tín dụng trong năm 2018 đã được điều chỉnh giảm xuống còn 14% so với mức 18% năm 2017.
Bảng cân đối tài sản của doanh nghiệp và hộ kinh doanh có tỷ lệ đòn bẩy ngày càng cao, tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam hiện đã rơi vào khoảng 135%.
Do đó, nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương trước những cú sốc và có nguy cơ căng thẳng trên thị trường tài chính, đặc biệt là khi nợ xấu trước đây chưa xử lý hết và bộ đệm vốn còn mỏng ở một số ngân hàng.
Triển vọng năm 2019, WB cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chậm lại do tín dụng thắt chặt, tiêu dùng tư nhân giảm và nhu cầu bên ngoài yếu hơn. Lạm phát được dự báo duy trì ở mức vừa phải trong điều kiện sức cầu trên toàn thế giới giảm nhẹ, giá cả năng lượng và lương thực thực phẩm ở mức vừa phải.
Mặc dù triển vọng trong ngắn hạn được cải thiện, nhưng cũng có những rủi ro và nhược điểm đáng kể.
Sự chậm lại trong tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng có thể tác động xấu tới tình hình tài chính vĩ mô, làm suy yếu triển vọng tăng trưởng và tạo ra các khoản nợ của khu vực công.
Đầu tư công chậm lại có thể làm suy yếu các mục tiêu phát triển dài hạn và chính sách tài khóa cần tập trung hơn nữa vào việc kiềm chê chi thường xuyên và đồng thời ổn định nguồn thu.
Ngoài ra, Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động của nền kinh tế thế giới do độ mở cửa thương mại lớn, dư địa chính sách tiền tệ và tài khóa còn tương đối hạn chế.
Sức cầu bên ngoài yếu đi và biến động tài chính toàn cầu tăng cao đòi hỏi phải tiếp tục tập trung quản lý kinh tế vĩ mô theo hướng chủ động và thận trọng nhằm đối phó với những cú sốc bất lợi có thể xảy ra trong cả ngắn hạn và trung hạn.
Nguồn: infonet.vn